Home » , , , , , , » Chọn nhầm nghề: sống trong đau khổ

Chọn nhầm nghề: sống trong đau khổ

Unknown | 8:31:00 PM | 0 comments


30/07/2013 07:00 (GMT + 7)
 
TT - Chuyện “Chọn trường cho mình hay cho cha mẹ?” của tác giả An Chi (Tuổi Trẻ ngày 19-7) nhận được chia sẻ của nhiều người đồng cảnh ngộ, những người trót từ bỏ ngành học mình yêu thích và đau khổ, thất bại với ngành đang theo học. Tâm sự dưới đây là của thầy giáo Trần Tuấn Anh, Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM.
Thầy Trần Tuấn Anh trong một tiết dạy môn giáo dục công dân cho học sinh lớp 6/1 - Ảnh: Như Hùng
Đọc bài viết của An Chi, ký ức đau thương lại hiện về trong tôi...
Chọn trường vì hoàn cảnh gia đình
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động, ba đi bán vé số dạo, mẹ bán quán nước ở vỉa hè. Cái nghèo khó, nợ nần, chạy ăn từng bữa của gia đình nuôi nấng và thôi thúc tôi học lên cao để vượt qua hoàn cảnh. Rồi vì hoàn cảnh, năm lớp 8 tôi phải theo mẹ về quê sinh sống, dở dang chuyện học hành. Khi trở lại thị thành, tôi tiếp tục học chương trình bổ túc văn hóa (nay là giáo dục thường xuyên). Tốt nghiệp THPT với điểm số khá cao nhưng tôi không đủ tự tin dự thi ĐH...
Một thầy giáo khuyên tôi nên đi luyện thi. Mẹ tôi phải vay mượn, cộng với số tiền bạn bè giúp đỡ, tôi vào trường luyện thi. Ở đó, những bài giảng chuyên đề đạo đức đầy cảm xúc của nhà giáo Đàm Lê Đức, một cô giáo tóc pha sương, tôi được tiếp thêm sức mạnh tinh thần. Phong cách của cô, tình cảm trong từng bài giảng của cô nung nấu trong lòng tôi ước mơ: mình sẽ trở thành thầy giáo.
Năm đó, năm 1998, tôi đậu hai trường đại học là ĐH Kinh tế TP.HCM và ĐH Sư phạm TP.HCM. Tôi sung sướng đến tột cùng, tôi say mê sư phạm, tôi muốn làm thầy giáo, tôi nghĩ ngày mình đứng trên bục giảng đã rất gần... Nhưng ba mẹ lại muốn tôi học kinh tế với hi vọng sau này có thể cải thiện đời sống gia đình.
Tôi đã từ bỏ cơ hội trở thành sinh viên sư phạm để bước chân vào giảng đường kinh tế. Tôi không lười biếng nhưng mỗi học kỳ tôi luôn thi lại vài môn. Vừa học vừa làm thêm, vừa tiếc nuối ngành học mình yêu thích, tôi ý thức rất rõ mình không phù hợp ngành kinh tế, việc học ngày càng đuối. Tôi đã kéo lê bốn năm ĐH của mình, học trong đau khổ, nhiều hôm ngồi ở giảng đường kinh tế mà ước sao đây là giảng đường sư phạm...
Đến năm cuối ĐH, tôi vẫn còn nợ 7-8 môn. Đến ngày đi thực tập, tôi tự thấy mình không đủ năng lực, không còn tự tin. Tôi nghỉ học, giam mình trong căn phòng với bốn bức tường, tôi khóc, tôi không muốn sống. Tôi nhớ như in ngày thi đậu ĐH, một người hàng xóm, hồi bé bà thường hay bế tôi, đã tặng tôi 100.000 đồng mua sách với lời nhắn: “Mai mốt ra trường đi làm nhớ mời bà ăn phở nha con”. Bốn năm sau gặp lại, bà hỏi: “Phở của bà có chưa con?”. Tôi không muốn gặp mọi người, tôi muốn xa lánh tất cả...
Từ bỏ để làm lại
Và một người bạn cùng học trường kinh tế đã bớt chút tiền lương những tháng đầu đi làm ở ngân hàng để giúp tôi có tiền ôn luyện thi lại. Tôi làm lại từ đầu với sự quyết tâm vẫn còn, lời dạy của cô Đức vẫn vang vọng. Năm ấy, tôi đậu vào ngành sư phạm giáo dục công dân Trường CĐ Sư Phạm TP.HCM (nay là ĐH Sài Gòn).
Tôi vẫn vừa học vừa đi bán vé số kiếm tiền làm học cụ. Năm 2 tôi đi kiến tập đạt loại giỏi với số điểm phần giảng bài 20/20 điểm, năm 3 trong đợt thực tập tôi đạt loại xuất sắc với điểm trung bình 9,4, cao nhất trong đoàn giáo sinh thực tập. Tôi đại diện cho sinh viên của khoa đi dự hội thi “Nghiệp vụ sư phạm” và đoạt giải nhì phần thi giảng, sau đó thi tốt nghiệp tôi đạt danh hiệu thủ khoa khoa sử - giáo dục công dân năm 2007.
Ngày ra trường được phân công về Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM), buổi đầu tiên đứng trên bục giảng mà cứ ngỡ đây là thiên đường, tôi hạnh phúc tột cùng khi được học sinh gọi hai tiếng “Thầy ơi!”. Tôi cố gắng mang vào bài giảng những câu chuyện về tình thương, về công cha nghĩa mẹ với những đoạn nhạc, bài ca dao, câu tục ngữ...
Nhiều học trò đã cảm động, yêu thích môn giáo dục công dân hơn, ngoan hơn, biết trả lại đồ lấy cắp của bạn. Như cơ duyên với nghề, những giờ giảng của tôi đã được ghi nhận. Sau bài viết “Người thầy cảm động” được đăng trên Tuổi Trẻ, một thầy giáo giáo dục công dân như tôi đã vinh dự được bình chọn là giáo viên trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2008; là công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2008; còn được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen đạt thành tích xuất sắc trong việc “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, và được bình chọn là gương điển hình TP.HCM và toàn quốc về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...
Tôi nghĩ mình yêu nghề sư phạm, cuối cùng nghề sư phạm cũng yêu mình. Tôi cảm ơn nghề sư phạm đã giúp tôi phát huy khả năng của mình. Tôi đã từng đánh mất cơ hội đời mình, đánh mất năm năm tuổi trẻ nhưng tôi thấy mình may mắn khi được trở lại, sống với nghề mình yêu thích.
Chọn nhầm nghề là một sự chọn lựa nguy hiểm với đời người. Từ chối một ngành yêu thích để học một ngành không phù hợp, không yêu thích khiến người ta sống trong đau khổ dằn vặt triền miên... Có không ít bạn sinh viên đang sống trong đau khổ ấy. Quay lại với nghề yêu thích cũng không phải dễ dàng. Có thể bạn yêu thích một nghề thanh bần như nghề sư phạm hoặc một nghề xã hội trọng vọng, lương cao... Điều đó không quan trọng bằng đó phải là nghề tốt với bản thân và là nghề mình có thể làm tốt, sống tốt với nó. Mình yêu nghề, nghề sẽ yêu mình. Nếu bạn dũng cảm, vượt qua khó khăn để khẳng định mình với nghề mình thích, thành quả chắc sẽ đến...
TRẦN TUẤN ANH (Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM)
Share this article :

0 comments:

Post a Comment