Home » , , » ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH SÁCH GIÁO KHOA 2015

ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH SÁCH GIÁO KHOA 2015

Unknown | 6:24:00 AM | 0 comments

Tích hợp môn học, làm bộ SGK chuẩn
Chương trình giáo dục trong nước sau năm 2015 sẽ hướng đến việc học sinh làm được gì sau khi học chứ không phải là học được cái gì.

Chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 sẽ triển khai trên cơ sở dạy học tích hợp, kết hợp chủ đề, tích hợp nội môn, liên môn, xuyên môn trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn, khoa học - công nghệ. Thông tin trên được đề cập tại hội thảo Hệ thống môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 26-10.
Cần một chương trình chuẩn              
Nhiều đại biểu thống nhất cao rằng cần phải có một chương trình sách giáo khoa (SGK) chuẩn mới có một nền trí thức vững bền.
PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, Chuyên trách về đổi mới chương trình SGK sau năm 2015, nhấn mạnh nội dung của các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông cần được xây dựng một cách tổng thể, xuyên suốt từ tiểu học đến THPT, đảm bảo tính thống nhất, hệ thống và liên thông giữa các cấp học, môn học và giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp và hoạt động giáo dục sau phổ thông.
Khi mà học trò lựa chọn, thầy giáo lựa chọn để học thì chứng tỏ chương trình đó đạt hiệu quả và chất lượng.
Theo nhóm nghiên cứu Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Bộ GD&ĐT), khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, để có thể xác định được kế hoạch giáo dục, trước hết phải hình dung có bao nhiêu lĩnh vực học tập, bao nhiêu môn học và hoạt động giáo dục. Trên cơ sở đó xác định phạm vi, cấu trúc, mức độ của nội dung từng môn học, từng hoạt động giáo dục.
Theo GS Nguyễn Xuân Hãn, chương trình SGK là nền móng của ngành giáo dục. “Chương trình giáo dục là cốt lõi của nền học vấn, chúng ta đã ba lần đổi mới về giáo dục nhưng từ năm 1980 đến nay chúng ta chưa hề có chương trình SGK chuẩn từ phổ thông đến đại học” - GS Hãn nói.
GS-TS Đinh Quang Báo, Thường trực Ban Soạn thảo Đề án đổi mới chương trình SGK, đề nghị Bộ GD&ĐT phải xây dựng một bộ SGK chuẩn, bên cạnh đó động viên, khuyến khích những nhà xuất bản cùng các tác giả khác dựa vào chương trình cùng pháp lệnh biên soạn SGK. “Thực tiễn sẽ là đơn vị thẩm định tốt nhất đối với bộ SGK đó” - GS Báo nói.
Không phải cứ na ná nhau là tích hợp!
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng chương trình giáo dục của Việt Nam hiện cắt khúc, thiếu sự đồng nhất, không có một chuẩn mực chung nào. Do vậy, cần phải gộp chung lại theo hướng giảm bớt số môn học bắt buộc, tăng số môn học tự chọn, học sinh tự chọn môn học, khắc phục được tính dạy dàn trải, phát huy được năng lực riêng của học sinh. Hướng đến việc học sinh làm được gì sau khi học chứ không phải là học được cái gì.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc tích hợp cần phải tính toán thật kỹ lưỡng, gộp môn nào, lĩnh vực nào. Căn cứ vào đâu để tích hợp những môn này vào một nhóm, môn kia vào một nhóm. Các nước tích hợp như thế nào, khi đưa vào Việt Nam phải cải tiến ra sao.
Hệ thống môn học theo đề án đổi mới
Tiểu học: Gồm các môn bắt buộc: toán, tiếng Việt, tìm hiểu tự nhiên và xã hội, đạo đức (các lớp 1, 2, 3). Lớp 4 và lớp 5 hình thành hai môn tìm hiểu tự nhiên (gồm các chủ đề vật lý, hóa học, sinh học, khoa học trái đất) và môn tìm hiểu xã hội (gồm các chủ đề về lịch sử, địa lý, giáo dục sức khỏe, kinh tế gia đình). Ngoài ra, còn có bốn hoạt động giáo dục: thể dục, âm nhạc, mỹ thuật, tập thể và các môn học tự chọn.
THCS: Gồm bảy môn bắt buộc: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, giáo dục công dân và công nghệ. Cấp THCS cũng có bốn hoạt động giáo dục: thể dục, nghệ thuật, hướng nghiệp và tập thể và các môn học tự chọn.
Cấp THPT: Sẽ thực hiện phân hóa ở lớp 10 với khối lớp 11 và 12. Theo đó, lớp 10 sẽ phải học 11 môn bắt buộc gồm: ngữ văn, toán, giáo dục công dân, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, tin học, công nghệ. Lớp 11 và lớp 12 sẽ chỉ còn ba môn học bắt buộc đó là: ngữ văn, toán và ngoại ngữ. Tự chọn bắt buộc ba trong số các môn: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, tin học, công nghệ, giáo dục công dân và xã hội học. Các hoạt động giáo dục bắt buộc ở cả ba khối cấp đều gồm: thể chất, hướng nghiệp, quốc phòng an ninh và tập thể. Học sinh THPT được lựa chọn môn học chuyên sâu thuộc các môn trong chương trình học tùy theo năng lực, sở thích.
HUY HÀ
Share this article :

0 comments:

Post a Comment