Home » » Đại Vệ Chí Dị - Xuân Giáp Ngọ yên bình phát triển.

Đại Vệ Chí Dị - Xuân Giáp Ngọ yên bình phát triển.

Unknown | 12:09:00 AM | 0 comments

Phần trước xem ở đây.

Lại nói lúc trước hỗn chiến, Tư Tứ và đám Tân Nhiên Liệu vâng lệnh Chúa đem quân bản bộ  ra khỏi cổng thành nhằm giải vây cho Báu Mã.  Báu Mã tiễn mấy dặm đường, gặp cánh quân trong thành phục sẵn. Báu Mã gò ngựa nhìn lại thấy tướng bên kia là Lộc Sáng, thủ hạ của đại thần nghị chính trấn thủ kinh thành Sáng Quyết. Báu Mã định cất lời hỏi thăm, bất ngờ Lộc Sáng hét lớn.

- Vâng lệnh Sản trên, bắt thằng tham quan này. Khai tên.

Tên của toán Tân Kinh Thành bắt như mưa, Tư Tứ một mình một ngựa nhờ mặc giáp sắt chạy thoát mất dạng, còn lại đám Tân Nhiên Liệu do Bằng Gió chỉ huy đánh loạn mấy hồi cho Báu Mã thoát thân. Mã chạy về được đến phủ thì trúng mũi tên Đích Danh. Đóng cửa phủ chữa trị.

Lúc đó cận kề ngày Tết, Trăm Xanh thắng liền mấy trận, cũng muốn nghỉ ngơi dưỡng quân. Bèn dâng sớ lên Vệ Kính Vương xin hạ lệnh thu quân, đợi ra giêng ngày rộng tháng dài tiếp tục chinh phạt.

Bọn Bằng Gió nhân lúc trời yên, biển lặng ra sức khóc gào thảm thiết khắp nhân gian, lúc thì kể công trạng của các tướng Báu Mã, Dương Kính. Lúc thì nguyền rủa Dương Bạo hám sống sợ chết nghe theo lời cường địch phá hoại bình yên nước nhà. Thấy bọn Bằng Gió tung hoành thế, mà bên Vương Phủ không động tĩnh gì. Nhà Chúa lấy làm yên tâm.

Mùa xuân năm Giáp Ngọ, đất nước điêu linh. Nhà nọ có hai bố con, người cha bệnh nặng, cậu con trai làm đủ nghề không đủ sống, quẫn bách quá liền đâm chết bố rồi tự đâm mình tự vẫn. Những người đi nhặt rác kể rằng trong mấy mươi năm hành nghề lại đây, Tết này là cái tết mà họ ít nhặt được rác nhất. Vì dân tình quá túng quẫn chả có rác mà bỏ đi.

 Qua rằm tháng giêng, cũng là lúc hết Tết. Trăm Xanh dóng trống hội quân. Thẳng thừng tuyên bố sẽ ra trận trước là tước mũ áo , thu hồi ấn tí của Báu Mã. Sau sẽ bắt sống về Vương Phủ tra xét bọn đồng đảng.

Báu Mã tuổi lục tuần, lúc trước còn tráng kiện lắm. Cả đời Báu Mã là chinh chiến lên được chức tướng quân, phó bộ Hình, bỗng dưng vì mũi tên của bọn tiểu tốt Lộc Sáng mà đột ngột từ trần.

Hôm ấy  Báu Mã đang ngồi đọc sách, người nhà báo tin có người bên Phủ Chúa đến thăm. Mã tưởng tin vui lật đật đứng dậy ra phòng khách. Kẻ kia bê đến một cái tráp đặt đó rồi lặng lẽ ra về.

Báu Mã bê tráp vào thư phòng, mở niêm phong. Thấy bên trong có phong thư của Chúa và một bầu rượu nhỏ, một giải lụa trắng. Mã đọc thư xong, nước mắt chảy âm thầm. Hôm sau gọi thân quyến đến căn dặn, chiều hôm đó Báu Mã đột ngột từ trần vì bệnh nan y phát, thầy thuốc tận tình cứu chữa nhưng không qua khỏi.

Theo lời bọn Tân Nhiên Liệu thì Báu Mã là tướng tài, vì dân, vì nước, trong sáng vô tư. Gia cảnh thanh bạch, khi chết trong nhà chẳng có nổi vài lượng vàng cho con cháu. Lúc cuối đời lại bị tai tiếng của bọn thù địch. Thật là đáng thương, đáng thương thay.


Bữa đó nhân ngày các nhân sĩ  tưởng niệm các quân lính hy sinh ở phía Bắc. Có kẻ nhảy ra phá đám, mồm miệng liến thoắng là đất nước cần phải yên bình để phát triển. Vài hôm sau thì Báu Mã chết.

Phải chăng cái chết của Báu Mã mang lại sự ổn định, yên bình để đất nước phát triển. ?

Cái này phải hỏi bọn Tân Nhiên Liệu. Bọn Tân Nhiên Liệu khai thác tài nguyên ngoài biển Đông nguồn lợi khổng lồ nuôi tràn lan quân lính, lại còn tập trận diễu võ giương oai dưới mác chống khủng bố. Bởi thế bọn đó bên ngoài sợ Tề cho hải quân quấy phá việc làm ăn, bên trong sợ dân chúng gây mất lòng Tề, lại sợ hỗn loạn Vương Phủ nhân đó mà kiểm soát nguồn lợi ấy. Chúng bèn ra sức kêu gọi yên bình là để tranh thủ phát triển khai thác nguồn lợi tối đa.

Nhà Sản muốn kiểm soát nguồn lợi tài nguyên biển đó, mới lập quân, bày trận. Trước đánh vào vây cánh nhà Chúa ở bộ Hình, sau đánh vào đám Tân Nhiên Liệu nắm nguồn thu. Chiếm được nguồn lợi ấy xong, có đánh tới phủ Chúa nữa hay không cũng chẳng còn quan trọng. Vì coi như đã chiếm được kho quân lương nhà Chúa, chẳng cần đánh nữa cũng tan. Vì thế nhà Sản bên ngoài cũng muốn yên bình với Tề để giữ nguồn lợi ấy. Khi giữ được sẽ phát triển khai thác mạnh hơn để nuôi quân.

Cái nghĩa yên bình ở đây là thế, cái nghĩa phát triển ở đây cũng là thế.

Dân Vệ được gì trong cái yên bình  và phát triển này.?
Share this article :

0 comments:

Post a Comment