Home » » Sự kiện 1979 và giới hạn của im lặng

Sự kiện 1979 và giới hạn của im lặng

Unknown | 7:51:00 AM | 0 comments

Sự kiện 1979 và giới hạn của im lặng

Lịch sử có chức năng là "người thầy" của cuộc sống. Chính lịch sử dạy cho hiện tại những sai lầm cần tránh khỏi, sự tỉnh táo trước những gì tương tự đã từng xẩy ra.
Buổi lên lớp đầu tiên của tôi trong năm Quý Tỵ là chiều thứ Hai, hai tiết học cuối của buổi chiều ngày 18/2 - mồng 9 Tết mới đây, tại ĐH Khoa học Huế! Tôi dạy bài "Lịch sử Trung Quốc" cho sinh viên lớp Hán Nôm K36.
Sau mấy câu chào làm quen, tôi hỏi: " Hôm qua, 17/2, đó là ngày gì?" Một nữ sinh là ni cô nói: "Một ngày bình thường như mọi ngày". Sinh viên tiếp theo là một sadi (sư bác): "Chắc là ngày... sinh nhật của thầy phải không ạ?"...(!)
100% không biết!
Có một cái gì đó nghẹn tắc trong nhịp thở khó nhọc của tôi. Khi 100% sinh viên năm thứ nhất đang ngồi trước mặt mình, chỉ biết được về một ngày lịch sử không thể quên đó, là sau khi tôi nói, đó là ngày cách đây 34 năm, Trung Quốc nổ súng trên bầu trời biên giới.
Thấy nét mặt của tôi không vui, một sinh viên rụt rè: "Chúng em có lỗi". Tôi nói, các em đợi một chút và, tôi gửi đi một lời tâm sự lên mạng, nói về điều vừa xảy ra, lúc đó là 15h15 phút! Gửi xong, tôi đưa cho mấy sinh viên đọc dòng thông tin "HVT đã nói" và, nói tiếp: Các em chỉ có lỗi một phần, lỗi trầm trọng là ở "người lớn" chúng tôi. Lịch sử dân tộc dường như  đã bị rơi vào quên lãng.
Có lẽ cái não nề của cơ sự "không biết, không nhớ" gì về một giai đoạn đau thương, quật cường chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam của những sinh viên năm thứ nhất không phải là ngoại lệ!
Nhưng, chắc chắn rằng sự kiện mà tôi vừa nêu trên là chuyện không hề nhỏ một chút nào. Nó không chỉ là một nỗi đau mà là sự nhức nhối thật sự, nếu suy rộng, nó còn là một đòn "đánh" vào tất cả các nhà sử học: Lịch sử sẽ là gì nếu mỗi chúng ta không hề dám nói thật về... sự thật?
Một hình ảnh nhắc nhớ về sự kiện chiến tranh biên giới năm 1979. Ảnh tư liệu
"Lãng quên" là  có tội!
Trong một buổi gặp mặt cử tri gần đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh rằng: Chúng ta có "cái bệnh" rất lớn là không dám nói lên sự thật (SGGP, 13/2). Lời cảnh tỉnh (xác nhận) đó cũng là lần đầu tiên được chính thức phát đi từ người đứng đầu Nhà nước kể từ gần 70 năm nay(!). Tất nhiên, Chủ tịch nước đề cập đến nhiều vấn đề và, dĩ nhiên, trong đó có sử học.
Khi tôi là sinh viên, được dạy rằng có những sự thật lịch sử chưa nên nói vì chưa có lợi cho cách mạng. Đó là năm 1974. Ai cũng dễ dàng đồng ý rằng trong chiến tranh, quả thật rất cần những khoảnh khắc, những "chương, hồi của sự im lặng" về sự thật, vì sợ bị kẻ thù lợi dụng, lòng dân ly tán...
Thế nhưng, cái tai họa của vấn đề là ở chỗ: Giới hạn của sự im lặng (chưa công bố, chưa nói) nằm ở tầng mức nào, bao lâu hay đến bao giờ? Sự mập mờ, đa nghĩa của cụm từ "có lợi cho cách mạng" đã bị biến hóa, như sự kiện 17/2/1979! Trong khi đó, luật pháp ở nhiều nước quy định việc giải mã toàn bộ bí mật lịch sử chỉ khoảng trên dưới 30 năm.
Một trong những định đề nổi tiếng của Karl Marx là ông phê phán các sử gia tư sản luôn coi 30 năm lịch sử vừa mới diễn ra là chính trị. Vì có nhiều bí mật chưa tỏ tường hóa, nên họ dùng cụm từ 'hậu hiện đại' hoặc 'sau hiện đại' (post modern, after modern) để chỉ quãng thời gian tranh tối, tranh sáng ấy. Theo Marx, lịch sử là tất cả những gì vừa xảy ra, kể cả khoảnh khắc vừa mới trôi qua.
Trong một buổi gặp mặt cử tri gần đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh rằng: Chúng ta có "cái bệnh" rất lớn là không dám nói lên sự thật (SGGP, 13/2).
Điều tiếp theo cần phải bàn là tại sao chúng ta không dám đưa sự thật lịch sử vào sách giáo khoa? Nói rằng sự thật đó có thể làm tổn hại đến tình hữu nghị hay bang giao quốc tế là không hề thuyết phục.
Chẳng lẽ người Mỹ dựng phim, mở hội thảo về tội ác của chủ nghĩa fascio lại làm mất đi quan hệ hữu hảo Đức - Mỹ sao? Không ai có thể thay đổi lịch sử đồng nghĩa với mặc định hiển nhiên rằng chấp nhận nó như là một phần của quá khứ, dẫu vinh quang, niềm vui hay cay đắng.
Một cựu chiến binh ở biên giới phía Bắc năm 1984 - hiện là giảng viên lịch sử kể rằng, năm 1992, cơ quan anh có tổ chức gặp mặt cựu chiến binh từ 1945-1975; có nghĩa là những ai đã từng là cựu chiến binh sau năm 1975 không được mời dự(!). Sự thật đó thật là cay đắng nhưng vẫn chưa thể đắng cay bằng việc chúng ta lãng quên sự hy sinh dũng cảm của hàng vạn con người đã ngã xuống cho dân tộc trường tồn.
Giữ gìn bản sắc văn hóa Việt như thế nào?
Chúng ta thường khẳng định việc phải giữ gìn bản sắc củavăn hóa Việt Nam. Thử hỏi rằng, bản sắc dân tộc Việt là gì nếu không phải phần lớn nhất, độc đáo nhất, phi thường nhất, chính là truyền thống không thể bị đồng hóa, truyền thống quật cường bất khuất của Tổ quốc hình chữ S?
Nói như thế có nghĩa là, không một ai có quyền lãng quên lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Cố tình quên hay nói khác về "sự nhớ" nửa vời là có tội với tiên tổ, giống nòi.
Lịch sử có chức năng là "người thầy" của cuộc sống. Chính lịch sử dạy cho hiện tại những sai lầm cần tránh khỏi, sự tỉnh táo trước những gì tương tự đã từng xẩy ra, bởi lịch sử không lặp lại nhưng, có thể, bắt chước chính nó. Tại sao lại không nên khi cả VN và TQ đều rút ra được những bài học cần thiết để tránh việc lặp lại những sai lầm?
Nếu cứ coi quá khứ không thể thay đổi sẽ làm tổn hại hiện tại, tại sao lại có nhiều như thế những đường phố Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Trần Hưng Đạo, Quang Trung...?
Trong cuộc đời, đôi khi có những câu trả lời cho những vấn đề được coi là phức tạp thật giản dị: Nếu chưa đưa sự kiện 17/2/1979 vào SGK thì bao giờ sẽ đưa vào? Nhất định phải đưa vào bởi nói thật về sự thật phải là bản chất của lịch sử. Sự trù trừ, "tiếng kèn ngập ngừng" của cách nói chỉ làm cho lịch sử thêm rối rắm, nhiêu khê. Không thể tiếp tục nỗi đau rằng đã và đang có hàng triệu con người trẻ tuổi chẳng biết gì lịch sử anh dũng của cha ông.
Ngày 6 và 9/8/1945, người Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagazaki, làm chết cả triệu người. Đến năm 1951, Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật vẫn được ký kết và, dù 62 năm đã trôi qua, quan hệ đồng minh giữa hai nước vẫn là "hòn đá tảng" (nguyên văn, key stone)...
Chỉ có những cái đầu thiển cận mới cho rằng quá khứ lịch sử làm tổn hại đến quan hệ hiện tại. Với những cái đầu như thế, việc né tránh quá khứ chỉ càng làm cho hiện tại phức tạp, đớn đau hơn...
Share this article :

0 comments:

Post a Comment