Tin vui cuối năm là Phúc lấy vợ mới. Tôi nói với mẹ trong bữa cơm chiều, mẹ hỏi: “Con còn thương nó không?” Ánh mắt mẹ và tôi gặp nhau trong tích tắc.
Hiếm khi hai mẹ con nhìn vào mắt nhau lâu hơn một tích tắc. Thường thì hai ánh mắt chạm nhau là bật ra ngay. Thực ra mẹ luôn nhìn vào mặt người đối diện khi nói, đó là nguyên tắc giao tiếp của bà, khi nói với học trò hay người bán hàng cũng vậy. Hồi tôi còn nhỏ, mỗi lần dạy tôi điều gì, mẹ bảo tôi đứng trước mặt mẹ, nhìn vào mắt mẹ và lắng nghe. Tôi không thể làm khác, hai mắt tôi mở to trên gương mặt hướng về mẹ. nhưng tôi không thấy cũng không nghe gì cả. Mẹ điên tiết bảo tôi lập lại từng câu mẹ dạy, tôi lập lại những âm tiết xuyên từ tai này qua tai khác, cuối cùng mẹ không nói nữa, chỉ nhìn tôi trừng trừng. Rồi cũng chán nhìn. Dù tôi vẫn đứng đó, hai tay khoanh trước ngực, đôi mắt mở to không chớp.
Tôi có đôi mắt to, so với cặp mắt trung bình của người Việt, không giống mắt mẹ tôi, cũng không giống mắt cha tôi hay bất cứ ai trong hai bện nội ngoại. Mà giống mắt con bò. Chính mẹ tôi nói như vậy. Khi tôi gặp con bò thực lần đầu tiên, tôi chỉ chăm chú nhìn con mắt nó, rồi lấy gương ra soi con mắt mình. Hai con mắt bò mở tự nhiên, lồ lộ, mà không có vẻ nhìn cái gì, cũng không biểu cảm điều gì. Hơi ươn ướt. Dường như trong suốt. Mắt của tôi hơi trợn trợn, biểu lộ một phản kháng: không! Không giống. Mẹ tôi chỉ một lần, có lẽ bất lực trước đôi mắt trơ trơ của tôi mà bật ra so sánh đó. Không biết ngay sau đó bà có hối hận không, hay đã quên luôn.
Bò là con vật cửa miệng của mẹ. Bà nổi tiếng về nó. Học trò là lũ bò và mỗi ngày xách túi đi dạy mẹ nói là đi chăn bò. Trong lớp bà hỏi đứa nào mà không trả lời được, hoặc trả lời sai, bà mắng “Đồ bò!” hoặc “Đầu bò!”, có đứa còn được lãnh “Cứt bò!” Một lần bà gọi Phúc đứng lên, hỏi một câu rất khó và bà đã sẵn sàng để quăng ra bất kể cái-gì-bò. Nhưng Phúc đáp rành rọt trúng phóc khiến bà hơi sửng sốt “Anh học ai mà giỏi thế?” Bất ngờ trước nhận xét chưa từng có này, Phúc đứng trân giữa lớp. Mẹ bèn nạt: “Ngồi xuống! Sao cứ đứng nhe răng như con bò cười thế!”
Trong lớp luyện thi tại nhà mẹ, toàn bộ gian nhà trước được biến thành phòng học, khoảng hai chục bộ bàn ghế đủ cho bốn chục đến sáu chục người ngồi chen vai sát cánh dưới cái quạt trần rền rĩ quay hết tốc lực, mẹ tôi giảng bài trên tấm bảng hướng ra cửa trước, phía sau tấm bảng là tấm vách ngăn không gian còn lại của căn nhà dành cho tất cả sinh hoạt khác của gia đình, tập trung quanh cái bàn ăn kiêm bàn học của tôi. Trên bàn thường để ấm nước, bình thủy và mấy cái ly. Tôi uống nước nấu chín để nguội trong cái ấm, mẹ uống trà giữ ấm trong bình thủy. Nhà hồi đó không có tủ lạnh. Thỉnh thoảng mẹ ngừng giảng bài, đi ra nhà sau để hớp một ngụm trà đồng thời liếc coi bài vỡ của tôi ra sao. Gương mặt mẹ lúc đó thường đỏ au, mồ hôi rịn đầy trán và cổ, lưng áo cũng ướt đầm. Một lần nọ, mẹ uống nước xong đi ra phòng học thì thấy hai đứa nào đó đang chụm đầu cười rúc rích, mẹ cầm cuốn sách giáo khoa chọi thẳng vào đầu chúng quát: “Ra đường mà đú đởn. Trong này không có chỗ cho bò!” Mẹ đuổi học trò thẳng tay, càng nóng nực càng đuổi nhiều, càng đuổi nhiều chúng càng chen chúc theo học.
Lúc mẹ quát to, tôi hơi giựt mình, vội đi tới sau vách ngăn nghiêng đầu nhìn ra. Tôi không thấy hai con bò bị đuổi đã đi ra một cách lỏn lẻn hay khệnh khạng. Tôi không thấy bốn năm chục con bò khác trạc tuổi tôi thừa cơ hội lao nhao, nhưng bị trấn áp lập tức bằng giọng giảng bài khàn khàn của mẹ. Tôi không thấy quạt máy quay vù vù mà mặt mày ai cũng khờ ra nhễ nhại mồ hôi. Tôi chỉ thấy một đôi mắt như bừng sáng khi nhìn thấy tôi. Và ánh mắt tôi vừa chạm vào cái nhìn đó đã đẩy bật tôi lùi lại sau tấm vách. Tôi như bị điện giựt, tim đập mạnh, bỗng nhiên hoang mang, trong giây lát không hiểu điều gì đã xảy ra. Sau này Phúc hay lập lại, trong nhiều tình huống khác nhau, là anh yêu tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên ấy.
Mẹ nuôi dạy tôi theo cách mà mẹ cho là trồng sen trong bùn, nhưng tôi tự thấy mình được nuôi như cá kiểng. Mẹ kết thân với tất cả những thầy cô giáo, ban giám hiệu lẫn nhân viên của những trường lớp tôi học từ mẫu giáo trở đi, để tôi luôn được chăm sóc chu đáo, nếu không nói là đặc biệt, từ chỗ ngồi tốt trong lớp, được thầy cô chú ý nâng đỡ, đến thi cử điểm số. Những đồng nghiệp đó của mẹ cũng có con em cháu hay đệ tử sẽ có lúc phải chen qua cánh cửa hẹp trường chuyên và lớp luyện thi của mẹ tôi. Mẹ sắp xếp thời khóa biểu trùng với buổi học của tôi, để mỗi ngày mẹ chở tôi tới tận cổng trường rồi mới đi dạy, tôi tan trường ra tới cổng là được mẹ đón về thẳng nhà. Đến khi tôi vào học chính cái trường mẹ dạy, thì tôi đi về như cái bóng của mẹ. Trong bất cứ lớp nào tôi cũng luôn được xếp ngồi bàn đầu giữa lớp và những đứa ngồi chung quanh đều là học sinh ngoan giỏi.
Tôi không cần đi học thêm để khỏi hở thì giờ đàn đúm rong chơi. Mẹ kèm cặp tôi ở nhà, tất cả các môn chứ không chỉ môn toán. Cái gì mẹ không biết thì mẹ hỏi đồng nghiệp, có lần mẹ hỏi được cả đáp án của bài thi học kỳ vào buổi chiều trước ngày thi. Kết quả học tập của tôi luôn đạt loại giỏi, và tôi nghĩ mình xứng đáng. Ngoài giờ học ở trường tôi chỉ có một việc khác duy nhứt là học ở nhà, bên cái bàn bếp sau tấm vách ngăn với lớp luyện thi của mẹ. Nhiều khi tôi cũng chán, ngồi vơ vẩn mộng mơ, hoặc vô nhà tắm nặn mụn, nhưng quả thực mẹ luôn biết cách kèm cặp, và tôi đã được tấm áo đẫm mồ hôi dán dính vào lưng mẹ xoa dịu hầu hết những cơn nỗi loạn của tuổi mới lớn.
Quen nhau rồi, Phúc nói tôi mới biết, học trò của mẹ tôi gọi bà là bà Toán Bò. Học sinh thường gọi thầy cô giáo của mình theo môn học. Đầu năm thời khóa biểu ghi, thí dụ, thứ ba: Tóan Toán Sử Anh Anh, tới tiết nào ai bước vô lớp thì biết người đó dạy môn đó, gọi luôn là thầy Toán, cô Sử. Để phân biệt thầy cô cùng bộ môn, tụi nó gắn thêm đuôi, thầy Lý Lùn, cô Văn Vẹo chẳng hạn. Mẹ tôi là bà Toán Bò, hay Bòa nếu phiên âm cho đúng giọng tụi nó. Tụi nó truyền tai nhau là nàng công chúa cấm cung của bà Toán Bòa xinh như Thủy Thủ Mặt Trăng. Phúc bị thôi thúc , hay bị thách thức, làm quen với tôi bằng cách vô lớp học ở nhà mẹ tôi, mặc dù anh đã có gia sư.
Tôi đã kiếm một cuốn truyện tranh Nhật để xem hình Thủy Thủ Mặt Trăng, như đã tìm con bò thực để nhìn vào mắt nó. Những cô gái chân dài và mắt to thô lố từa tựa nhau cùng câu chuyện hoang đường khiến tôi hoài nghi lời Phúc, “xinh như Thủy Thủ Mặt Trăng” có lẽ hàm ý châm biếm. Phúc nói anh không mê truyện tranh, nhưng cũng xem qua cho biết vì tụi bạn gán cho anh tên một nhân vật nam trong mấy truyện đó, một chàng trẻ tuổi, đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi. Tôi nói đúng là tụi nó châm biếm. Phúc nói nhưng đúng là em có đôi mắt to hớp hồn người ta và anh thì đẹp trai, nhà giàu, học giỏi. Mẹ tôi công nhận điều này. Bà tán thành quan hệ của hai đứa và có lẽ bà đã góp phần tích cực dẫn dắt mối tình đầu của chúng tôi đến kết thúc là một đám cưới rỡ ràng.
Phúc xuất thân từ một môi trường khác hẳn tôi. Cha mẹ anh là cán bộ, người làm ở thành phố, người làm ở quận. Không phải quan to lắm, nhưng cha mẹ anh biết sử dụng ưu thế của mình để con mình được hưởng những gì được coi là ưu việt, trường điểm, trường chuyên, trường quốc tế, rồi ra nước ngoài du học. Mẹ tôi không hề tính chuyện cho tôi đi xa bà quá trăm thước cho đến khi nghe cha mẹ Phúc nói là đang chuẩn bị cho anh du học. Mẹ nhờ một đồng nghiệp luyện thêm anh văn cho tôi liên tục mỗi ngày suốt sáu tháng, và lần đầu tiên trong nhiều năm, mẹ đến tiệm vàng không phải để mua vào, mà bán ra, lấy tiền cho tôi đi học với Phúc. Có những người mẹ dám hy sinh tất cả cho con, với mẹ tôi đây là hy sinh lớn nhứt. Bà buông cái bóng mình ra để, theo bà nghĩ, tôi có thể đi tới một tương lai hạnh phúc.
Thực sự là tôi và Phúc đã hạnh phúc đi bên nhau suốt bốn năm ở Keytown, nơi có những con đường rợp bóng cây. Hoa mận trắng hoa đào hồng lúc chớm xuân, sang thu lá phong đỏ, lá sồi nâu, lá gin-kô vàng, và suốt bốn mùa thông tùng xanh biếc. Mùa hè có những buổi hòa nhạc ở công viên trước tòa đô chánh, già trẻ lớn bé vui vẻ nhảy múa hát ca hay quay quần ăn uống; cuối tuần nơi này trở thành chợ trời, nông dân quanh vùng đem rau trái sữa tươi ra bán. “Thành phố” có mười ngàn dân, ngành kinh tế chính gồm nông nghiệp, du lịch, và giáo dục, tức là trường của chúng tôi, một đại học tư với hai ngàn rưởi sinh viên. Những trò trụy lạc nhứt ở đó là rượu, drug, và sex trong những party mà bọn sinh viên (chưa đủ tuổi luật pháp cho uống rượu) thỉnh thoảng bị cảnh sát bắt, phạt, rồi thả ra. Những trò vui lành mạnh hơn gồm chèo thuyền độc mộc ngược dòng sông, đi bộ theo những lối mòn xuyên rừng, leo núi, trượt tuyết, cổ vũ những trậu đấu bóng bầu dục, hoặc lái xe hai giờ đến khu thương mại gần Stone City (có hai trăm ngàn dân) để mua sắm.
Tôi rất thích đi trong những thương xá lộng lẫy đèn trang trí, sáng sủa ấm áp và đông vui. Nhưng muốn mua cái gì tôi đều ngần ngừ tính toán. Luôn hiển hiện trước mắt tôi hình ảnh mẹ mở cái hộp bí mật, đếm từng khoen vàng một hai chỉ đầu tiên mà bà sắm mười mấy năm trước, khi bắt đầu dạy thêm có dư dả chút đỉnh, đến những miếng vàng một lượng bà mua để dành mỗi tháng sau này. Bà đã gom hết đi bán ra một cục tiền khổng lồ để bỏ vô tài khoản ngân hàng bảo đảm tài chánh cho tôi du học. Khi Phúc nghe tôi kể chuyện này, anh im lặng hơi lâu. Anh không bao giờ nói về tiền bạc của anh, tôi cũng không hề thắc mắc, kể cả khi anh mua chiếc xe hơi bốn chục ngàn đô ngay giữa học kỳ đầu tiên. Dĩ nhiên ở đây cần xe để đi lại, mà ở Stone City mới có tiệm bán đồ ăn Á châu.
Khỏang một tháng trước khi cưới vợ mới, Phúc đến thăm mẹ tôi, lúc tôi đi vắng. Mẹ kể lại là Phúc nói anh đến xin lỗi mẹ về những lời lẽ xúc phạm đến bà. Mẹ hỏi những lời nào, anh nói những lời đã khiến cho tôi ly dị anh. Nhưng mà những lời nào, mẹ hỏi gặng. Phúc và tôi đã đồng ý “không hợp nhau” là lý do thích hợp nhứt để điền vào đơn ly dị. Có lẽ anh không tin là tôi giải thích y như vậy với mọi người, và không hề nói gì với mẹ tôi về những cuộc cãi vả mà anh cho là dẫn đến cuộc ly hôn.
Phúc và tôi luôn cải nhau, và từng coi đó là hoạt động thích thú nhứt, sau làm tình, đã khiến hai đứa thêm gần gũi khắn khít và hiểu nhau sâu. Trường tụi này là một Liberal Arts College, hai năm đầu Phúc và tôi học chung nhiều môn, nhứt là những môn nhân văn. Trong lớp học về nghệ thuật tranh biện tôi hơi đuối. Tôi lắng nghe nhưng không chắc hiểu hết những điều bạn học đang nói túa xua. Tôi chỉ hình thành quan điểm và luận cứ trong đầu mình chứ không mấy khi chụp được cơ hội phát biểu. Cho đến giáo sư chỉ đích danh tôi trình bày trước lớp. Tôi nói ngắn gọn và không có mấy người phản biện. Nhưng giáo sư cứ liên tục phê bình, bài bác, chỉ trích, thậm chí châm biếm những thứ không liên quan đến chủ đề đang tranh luận; bà vặn vẹo tôi đến nỗi tôi thấy Phúc nóng mặt, chắc giáo sư cũng thấy. Tôi hít một hơi sâu rồi nói: “Tôi không đủ từ vựng tiếng Anh để trình bày, nhưng tôi sẽ bảo vệ quan điểm của mình tới cùng.” Giáo sư nói “Good”, rồi quay ra nói với cả lớp: “Đương nhiên cần giỏi ngôn ngữ, có nhiều từ vựng. Nhưng khi gặp một kẻ cố tình ngụy biện, xảo ngôn, bẻ cong chứng cứ, xuyên tạc sự thật, áp đặt quan điểm, như tôi vừa làm, để trấn áp đối phương, chứ không phải để đạt tới sự hiểu biết, tiếp cận sự thật qua tranh luận, thì cưng à (giáo sư nhìn tôi gọi là “Honey”), không cần nhiều từ tiếng Anh lắm đâu, chỉ cần hai chữ thôi: Fuck you! (Đéo mày!)”
Phúc và tôi giúp nhau thực hành những bài học bằng cách đứa này phản biện đứa kia, tập đứng trên những quan điểm khác nhau để tranh luận, dần dà hình thành thói quen, hai đứa luôn cải nhau về mọi thứ, từ bài học đến cuộc sống, cả những chuyện lặt vặt thường ngày. Những đề tài tranh cải liên quan đến việc học thường đi tới thống nhất ý kiến, hoặc thỏa thuận quan điểm. Những mâu thuẫn khác giữa hai đứa đôi khi dẫn tới cơn giận đùng đùng của tôi hoặc sự tức giận phát điên của Phúc, thì được kết thúc bằng lời dạy của bà giáo sư lớp tranh luận 101. Tôi hét “Fuck you!” rồi quay lưng bỏ vô phòng (nếu đang ở nhà), đóng sầm cửa lại. Phúc mở cửa vô theo, ôm ngang lưng tôi vật xuống giường. Tôi vật lại anh, ngôn ngữ không cần thiết nữa. Hai bên vật qua vật lại đến khi cùng đạt tới cực khoái thì coi như hóa giải xong khác biệt. Hai đứa học xong, về nước, cha mẹ cho cưới nhau, cho nhà cửa, công việc, chức quyền, cuộc sống có vẻ hoàn hảo. Những cuộc cải vã vẫn như cơm bữa. Nhưng đó không phải là nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân tan vỡ.
Mẹ kể: “Nó nói là hai đứa cải nhau về một chuyện không đâu, rồi con lên án cha mẹ nó, khiến nó tổn thương, nó tức giận nói những lời xúc phạm mẹ. Nó xin lỗi mẹ và nói là nó vẫn luôn kính trọng và biết ơn mẹ như một người thầy và yêu mẹ như một người mẹ.” Mẹ nhìn chăm chú vào mắt tôi, cố buộc tôi phải nhìn thẳng vào mắt bà. “Đó là phần nó nói, bây giờ con nói phần con.” Nhưng bây giờ không phải là thế kỷ hai mươi và tôi không còn là một đứa con gái nhỏ không thể làm gì khác hơn trơ mắt bò lập lại từng lời mẹ dạy. Trước mặt mẹ là một người đã trưởng thành, đã xuất giá, đã ly hôn, đã chọn cách sống cuộc đời mình như mình muốn.
Tôi nhìn vào mắt mẹ tự hỏi bà có muốn hiểu điều tôi sắp nói không? Cuộc cải vã cuối cùng không phải về một chuyện không đâu, mà là khoảng cách đã ngày một lớn đến mức vô phương nối lại giữa Phúc và tôi về quan điểm làm người, về cách sống. Chúng tôi đã cải nhau cả ngàn lần về điều này khi mỗi ngày công việc và cuộc sống lôi từng đứa vào những thực tế nhức óc đau lòng. Nhưng điều đưa tới quyết định của tôi không phải là sự khác biệt nhận thức, thực ra nhiều lần anh cũng đồng ý với tôi. Điều quyết định là hành động của anh càng ngày càng khác với suy nghĩ của anh. Tôi tức giận khi anh phản bác tôi, nhưng tôi đau đớn hơn, và hoàn toàn bất lực, khi anh phản bội chính anh. Tôi đã chứng kiến một con người mình yêu từ cái nhìn đầu tiên biến dạng từng ngày một.
Tôi nói với mẹ: “Ảnh đã đến xin lỗi. Mẹ muốn con nói gì nữa?” Mẹ thở dài bực bội: “Nó nói cái gì xúc phạm mẹ?” À, tôi nhớ lại. Hai đứa cải nhau đến chỗ tôi nói: Cha mẹ đã cho chúng ta cuộc sống ưu đãi này, chúng ta không phủ nhận công ơn ấy, nhưng cái xã hội này cũng là di sản ta thừa hưởng từ họ. Cha mẹ đã tạo điều kiện cho chúng ta có kiến thức và tầm nhìn để thấy những giá trị nhân văn tốt đẹp, chẳng phải họ mong cho chúng ta sống tốt hơn trong một thế giới tốt hơn? Tại sao chúng ta không dám bảo vệ những giá trị ta tin tưởng, hay dùng ưu thế có sẵn để làm cho xã hội chúng ta trở thành một di sản tử tế hơn khi trao lại con cái chúng ta, ít ra trong phạm vi khả năng quyền hạn của mình, đừng gây thêm bất công, nhũng nhiểu… Tôi chưa nói hết ý, Phúc quát ầm ầm: “Đừng nói giọng như thể mình là nạn nhân! Ô kê, thực tế chỗ nào giờ cũng thối như cứt, nhưng đừng ai nói là riêng tao không hề ỉa. Ngay cả người mẹ mà em nói đến như một cô giáo nghèo tận tụy, cũng là một kẻ bán chữ, thậm chí bán giá cao, góp phần tạo ra bất công giáo dục.”
Mẹ im lặng một lúc. Tôi nắm bàn tay mẹ: “Nhưng đó không phải là lý do chính mẹ à.” Mẹ tôi giải được tất cả những bài toán bậc trung học và dành cả đời để dạy người khác giải đi giải lại những bài toán đó từ năm này qua năm khác. Bà không bao giờ hiểu tại sao người ta giải đi giải lại mà không ra cái đáp số bà thấy sờ sờ ra đó. Trong cuộc hôn nhân đổ vỡ của tôi và Phúc, mẹ đau khổ như thể đó là thất bại của bà. Mẹ tin mình đã kỳ công xây dựng một ngôi nhà vững chải; bà không thể nào hiểu được tại sao từng mãng vôi vữa tường ngói cột kèo cứ rã ra.
Mẹ nói: “Nó nói với mẹ nó còn thương con lắm.” Tôi có thể tin. Trong thời gian chờ tòa ra phán quyết, có lần Phúc làm như tình cờ gặp tôi trong cái quán tôi thường ăn trưa. Anh nói gần đây anh thường liên hệ với các giáo sư ở Keytown, họ rất vui lòng viết thư giới thiệu cho anh, và cả cho tôi nếu tôi muốn, để làm hồ sơ xin học sau đại học. Anh nói giọng nghe run run: “Mình trở lại Keytown đi, làm lại từ đầu.” Tôi có xúc động. “Nhưng chúng ta đã bắt đầu từ đây mà.”
Nghe Phúc cưới vợ mới mẹ hỏi tôi còn thương anh không. Không nghe tôi trả lời, mẹ lại hỏi: “Nó gởi thiệp cưới cho con à?” Không. Tôi đã bảo Phúc đừng tìm gặp tôi nữa. Tôi biết tin qua facebook của bạn bè. Tôi xem hình bạn bè dự đám cưới đăng lên status của họ thì biết vợ Phúc cũng là người quen. Có lẽ ít hôm nữa trên facebook của chị tôi sẽ thấy hình ảnh trăng mật của hai người ở Keytown. Rồi hình ảnh cuộc sống đôi vợ chồng trí thức trẻ ở thành phố thanh bình ấy. Những đứa con chào đời cũng sẽ được đăng hình lên cho ông bà nội ngoại dì cậu chú bác vô nựng là xinh quá. Rồi chúng đi học như thế nào, được chăm sóc ra sao, đạt được những thành tích vẻ vang gì. Thỉnh thoảng chị nhắc đến ba của Bi hay Bu, đăng hình Phúc trong lễ nhận bằng thạc sĩ, tiến sĩ, rồi trở thành giáo sư hay nhà nghiên cứu ở viện gì đó. Cha mẹ Phúc sẽ thường xuyên qua thăm con cháu rồi trở về Việt Nam, vì chẳng đâu bằng nhà mình. Phúc cũng sẽ hàng năm đưa vợ con về thăm nhà, nhân tiện đóng góp cho quê hương một vài ý kiến khử mùi.
Tôi định khôi hài cho mẹ cười, nhưng tự nghe giọng mình cay đắng nên ngừng nói. Mẹ bảo “Nó chọn vậy cũng … hay”. Mẹ có vẻ lưỡng lự với chữ khôn hay phải. Tôi không luận khôn dại đúng sai hay dở. Sống cuộc đời mình như thế nào là chọn lựa cá nhân. Chỉ có điều, lựa chọn của người này có thể không là hay không thể là lựa chọn của người khác. Thế thôi.
0 comments:
Post a Comment