Ngày 10/3/2014 tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 1 và tháng 2 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son dẫn thông báo, kết luận mới đây của Chính phủ cho biết, “trong khi chuẩn bị báo cáo Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2020 trình Bộ Chính trị ban hành, Bộ Thông tin và Truyền thông tạm dừng việc cấp phép thành lập các cơ quan báo chí... Đồng thời rà soát, giảm bớt những tờ báo hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích”. Đây là việc làm cần thiết của Bộ Thông tin và Truyền thông trong bối cảnh "nhiễu loạn thông tin" như hiện nay.
Độc giả hiện nay bị nhiễu loạn thông tin
Được coi là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân, đồng thời cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của nhân dân, nhưng hiện nay, một số cơ quan báo chí dường như đã quên đi mất tôn chỉ và mục đích của mình. Thay vì là "món ăn" tinh thần thì những cơ quan này lại biến báo chí trở thành "liều thuốc" đầu độc thông tin người đọc.
Nhiều tờ báo đăng tin như "báo lá cải"
Bằng những tít "rất kêu", rất "hoàng tráng" những tờ báo này đã đánh mạnh vào tâm lý tò mò của người đọc. Với nội dung chủ yếu là đi bới móc những chuyện đời tư, thói hư tật xấu của người khác (đặc biệt là chuyện của các "sao"), những tệ nạn xã hội như hiếp dâm, giết người, cướp của... những bài báo này không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến đến uy tín, cuộc sống của những người có liên quan mà nó còn tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người đọc.
"Tít giật gân" đang là xu thế
Vấn đề đạo đức nhà báo cũng đang được xã hội đặt một dấu hỏi lớn. Vì lợi ích của mình, một số nhà báo sẵn sàng đăng tin sai sự thật, đưa tin một chiều, tống tiền các cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp... Vụ "kiều nữ hiếp dâm hàng loạt tài xế taxi", "bố chồng "dính" nàng dâu", "không biết chữ vẫn lên lớp 4"... và mới nhất là việc nhà báo Trương Duy Nhất bị xét xử về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" là những minh chứng tiêu biểu cho sự vi phạm đạo đức, tính chuyên nghiệp của nhà báo hiện nay.
Ở Việt Nam không có "báo lá cải" nhưng chúng ta không thể phủ nhận một điều rằng nhằm thu hút người đọc, vì lợi ích kinh tế và sự quản lý thiếu chặt chẽ của cơ quan chức năng trong thời gian qua những biểu hiện của "báo lá cải" vẫn có điều kiện tồn tại và thậm chí còn "sống khỏe" tại một số cơ quan báo chí ở nước ta.
Báo Nhân dân - những số đầu tiên
Trong xã hội hiện đại, báo chí luôn chiếm một vị trí và vai trò hết sức quan trọng. Đặc biệt là trong tình hình hiện nay, khi các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện chiến lược "Diễn biến hòa bình" nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa chúng triệt để lợi dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, nhất là mạng internet, các website, blog, báo, đài phát thanh,… để tán phát các tin, bài, tài liệu có nội dung xuyên tạc chủ nghĩa Mác, Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước... thì việc các cơ quan báo chí đấu tranh phản bác, vạch trần âm mưu, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch lại càng giữ vai trò quan trọng.
Hy vọng trong thời gian tới, với sự vào cuộc của cơ quan chức năng sẽ tạo ra "một cuộc cách mạng" trong hoạt động báo chí, để báo chí có thể hoàn thành tốt vai trò và trách nhiệm to lớn của mình trong việc nâng cao nhận thức, niềm tin của người dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và để báo chí thực sự trở thành một "món ăn" tinh thần không thể thiếu của mỗi người.
MẮT BÃO
0 comments:
Post a Comment