Tuy nhiên, trong khi mà Hoa Kỳ chỉ là một cấu thành bên lề của quá khứ Việt Nam, Trung Hoa lại là một thành tố cốt tử. Thuật ngữ đặc biệt Đông Dương [Indochina- người dịch lặp lại nguyên văn cho phù hợp logic phân tích của tác giả] đã phản ánh chính xác phạm vi mà ảnh hưởng của Ấn Độ đã hiện hữu suốt phần còn lại của Đông Nam Á, trong khi mà ảnh hưởng của Trung Hoa tập trung chủ yếu vào phần lớn của phía bắc Việt Nam. Có thể nói là sự “hỗn loạn kéo dài” của thời kỳ cuối Nhà Đường và thời kỳ chuyển tiếp mang tính bán hỗn độn tiếp theo sau của giai đoạn Ngũ Đại Thập Quốc vào thế kỷ X tại Trung Hoa đã tạo thời cơ cho nền độc lập của Việt Nam thành hình. “Lịch sử chính thống Việt Nam đã nhấn mạnh rất nhiều đến các cuộc phản kháng, chủ yếu là chống lại Trung Hoa.” Robert Templer đã viết như thế trong một quyển sách khảo cứu của ông về Việt Nam hiện đại: Bóng tối và cơn gió: một cái nhìn về nước Việt Nam mới. “Nỗi lo sợ bị đô hộ là bất biến và vượt qua mọi khác biệt về hệ tư tưởng, nó đã tạo ra cảm giác mỏng manh của sự lo âu và tinh thần phản kháng vì một cội gốc Việt.” Nỗi lo sợ của Việt Nam là một tất yếu sâu sắc vì Viêt Nam không thể chạy trốn thoát khỏi sự vây tỏa của người láng giềng khổng lồ phương bắc, có dân số đông gấp mười lăm lần Việt Nam. Người Việt Nam hiểu rằng vị trí địa lý đã chỉ định cho cách thức quan hệ với Trung Hoa: họ có thể chiến thắng trên chiến trường, nhưng sau đó vẫn phải cử người đến Bắc Kinh thể hiện sự thần phục. Đó là tình huống lạ lùng đối với một quốc gia trên thực tế là một hòn đảo như nước Mỹ.
Một nhà ngoại giao Việt Nam khác gỉải thích: “Trung Hoa xâm lấn Việt Nam mười bảy lần. Nước Mỹ xâm lấn Mexico chỉ có một lần, và hãy nhìn xem người Mexico nhạy cảm ra sao về điều đó. Chúng tôi lớn lên giữa những trang sách giáo khoa đầy ắp hình ảnh các anh hùng dân tộc chống lại ách đô hộ của Trung Hoa.” Hoặc như một chuyên gia Phương Tây về Việt Nam nhận xét: “hãy nghĩ xem người Canada ác cảm với Mỹ như thế nào, và rồi hãy tưởng tượng giả thử Hoa Kỳ đem quân vào Canada.”
Sự thù địch mang tính lịch sử của người Việt Nam đối với Trung Quốc, phần nào là do con người tạo ra, thời gian gần đây người Việt Nam thường nhấn mạnh đến những cuộc nổi dậy chống lại sự đô hộ của Trung Hoa trong thời kỳ cổ đại và cận đại, trong khi hạ thấp đi vai trò của nhiều thế kỷ “mô phỏng sát sao” Trung Hoa và những mối quan hệ tốt đẹp với nó, để phục vụ yêu cầu về một nguồn gốc quốc gia vững chắc. Tuy nhiên, ít có sự phủ nhận đối với việc Việt Nam hướng sự quan ngại của họ đến nước láng giềng phía bắc.
Nguồn gốc của Việt Nam thật là đặc thù vì nó đã hình thành “trên cơ sở và đối lập với” ảnh hưởng của Trung Hoa, theo như một bản tin của BBC. Việt Nam đã bắt đầu như là một tiền đồn phương nam của nền văn hóa Hoa hóa. Nó đã bị sát nhập bằng vũ lực vào Đế chế Hán của Trung Hoa vào năm 111 trước CN. Từ đó về sau nó đã bị chiếm đóng bởi Trung Hoa hoặc bị buộc phải giữ vai phụ thuộc trong suốt gần một thiên niên kỷ, cho đến khi, như tôi đã đề cập, cuối cùng đã tự mình thoát ra khỏi ách đô hộ đó vào buổi hoàng hôn của Nhà Đường năm 939 sau CN. Từ đó trở về sau, các triều đại Việt Nam như Lý, Trần và Lê đã xác định vị thế to lớn của mình qua các cuộc kháng chiến loại bỏ sự kiểm soát của Trung Hoa ở phía bắc, đẩy lùi được những làn sóng xâm lăng của một đội quân to lớn hơn nhiều, như Neil L. Jamieson – cựu học giả của George Mason University đã viết trong Hiểu về Việt Nam. Không phải khi nào Việt Nam cũng thành công: đã có một thời kỳ Nhà Minh chiếm đóng từ 1407 đến 1427, điều đó minh chứng cho việc người Trung Hoa từ cuối thời kỳ Trung đại đã chưa bao giờ từ bỏ ý định xâm phạm nền độc lập của Việt Nam. Sự giải thích cho việc Nhà Thanh chấp nhận cho một Việt Nam độc lập vào thế kỷ XIX là ở chỗ do nước Pháp-“kẻ vẽ bản đồ” cứ khăng khăng vẽ phần lãnh thổ Đông Dương của mình vào phần này của Trung Hoa.
“Sự đóng góp mang tính Hoa hóa bao hàm tất cà mọi mặt của văn hóa, xã hội, và chính quyền, tử đôi đũa người nông dân cầm trên tay cho đến chiếc bút người học giả và viên chức sử dụng,” nhà nghiên cứu Keith Weller Taylor đến từ Cornell University đã viết như thế trong Sự ra đời của Việt Nam. Họ của người Việt Nam cũng như văn phạm và ngữ pháp, phong cách nghệ thuật và văn chương, đã phản chiếu sự ảnh hưởng sâu sắc của Trung Hoa. Thậm chí, văn học Việt Nam đã “thụ thai” với di sản Khổng giáo của Trung Hoa. Tiếng Hoa đã từng được sử dụng như ngôn ngữ của giới học giả như là chữ La tinh đã từng được sử dụng ở Châu Âu: và, cho dù gắn chặt với tiếng Hoa, tiếng Việt lại có ngồn gốc Môn – Khơ me và Thái. Trong suốt quá trình đó, văn hóa bình dânViệt Nam vẫn giữ được nét riêng biệt bên cạnh sự bành trướng của văn hóa xây nên bởi giới ưu tú của Việt Nam. Trong giới ưu tú, theo như lời chuyên gia Đông Nam Á Victor Lieberman của Michgan University, các quy tắc hành chính Trung Hoa đã được “tiếp thu tới mức nguồn gốc ngoại lai của nó là không thể chấp nhận.” Điều thúc đẩy cho mong muốn to lớn của Việt Nam tách khỏi Trung Hoa chính là sự tiếp xúc của họ với người Chăm và người Khơ me ở phương nam, những người mà bản thân họ chịu sự ảnh hưởng của các nền văn minh phi Hoa, đặc biệt là của Ấn Độ. Chính vì sự tương đồng quá to lớn với người Trung Hoa, người Việt Nam – như tôi đã đề cập - đã rất tự hào về những dị biệt nhỏ, và điều đó thậm chí đã có từ trong quá khứ và mãi tiếp thêm sức sống cho họ.
Chiến thắng quân sự ở phía bắc trước Trung Hoa, như chiến thắng của Hoàng đế Lê Lợi gần Hà Nội năm 1426, và ở phía nam chống lại người Chăm và người Khơ me vào những năm 1471 và 1778, tất cả những cái đó đã tạo nên một nguồn gốc quốc gia thật riêng biệt, được tô đậm thêm trong bối cảnh mà cho đến thời kỳ hiện đại, Trung Hoa hiếm khi để yên cho Việt Nam. Vào năm 1946, người Trung Hoa thông đồng với người Pháp để tiến quân chiếm đóng bắc Việt Nam để rồi sau đó được thay thế bởi quân Pháp. Năm 1979, như chúng ta đã biết, bốn năm sau khi Hoa Kỳ từ bỏ Việt Nam, 100 000 quân Trung Quốc đã tiến công xâm lược. Lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình “chưa bao giờ đánh mất sự căm thù tận xương tủy đối với người Việt Nam,” Robert Templer viết, và do đó đã âm mưu một chính sách “hút sạch máu Hà Nội”, qua việc đẩy Việt Nam vướng vào một cuộc chiến tranh du kích tại Cambodia. Hiện nay, những sự việc đang xảy ra như những xung đột tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và Việt Nam tại Biển Đông, việc tàu chiến Trung Quốc xâm phạm Vịnh Bắc Bộ, nỗi thèm khát của Trung Quốc đối với một bờ biển dài 1,900 dặm của Việt Nam mở rộng ra các tuyến giao thương nối liền Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương, tất cả những cái đó trở thành lịch sử đang vận hành; trong khi cuộc chiến của Việt Nam với Mỹ thì đơn giản là không phải, ngoại trừ một điểm. Do Việt Nam đã từng chiến thắng nước Mỹ trong chiến tranh cho nên họ xem mình là bên chiếm ưu thế trong mối quan hệ song phương: họ không có gì phải khổ tâm, đề phòng hay mất mặt trong một mối liên minh quân sụ trên thực tế trong tương lại với người Mỹ. Từ sâu thẳm, ngưởi Việt ít nhạy cảm với cuộc chiến với nước Mỹ vì họ đã là người chiến thắng.
Cuộc Kháng chiến chống Mỹ, như là cuộc xâm lược của Trung Quốc tiếp sau đó, và cuộc tiến chiếm của chính Việt Nam đối với Cambodia đã đưa cuộc xâm lược của Trung Quốc lên vị trí hàng đầu, tất cả là một phần của một quá trình lịch sử từ rất lâu đã là tương tự như thế. Đó là lịch sử của những cuộc chiến tranh trên bộ, phần nào dựa trên quá trình giải thực dân Phương Tây hóa. Ngày nay khi vấn đề biên giới trên đất liền đã được giải quyết, cuộc tranh đấu quốc gia chủ nghĩa tại nhiều nước Châu Á đã mở rộng ra biển; đặc biệt là tại Biển Đông. Thực tế là, Việt Nam có một truyền thuyết lập quốc qua đó đất nước được thành lập từ sự hợp nhất của Chúa Rồng Lạc Long Quân và nàng tiên Âu Cơ. Cùng nhau họ sinh ra 100 người con trai, năm mươi theo mẹ lên núi và năm mươi còn lại theo cha xuống biển. Di sản của người cha ngày nay dường như gắn chặt với số phận của Việt Nam, sau hàng mấy mươi năm bị chi phối bởi phần từ người mẹ.
“Biên giới trên bộ giờ đây không còn quan trọng đối với chúng tôi so với vấn đề Biển Đông,” Nguyễn Duy Chiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới Chính phủ, phát biểu. Chiến thể hiện trước tôi một phong cách làm nhớ lại ấn tượng của Lý Quang Diệu về các nhà lãnh đạo Việt Nam những năm 1970 quá sức nghiêm trọng và đặc sệt Nho phong. Chúng tôi gặp nhau trong một văn phòng đơn sơ và giản dị. Chiến vận một bộ đồ đơn giản. Cuộc gặp gỡ bắt đầu và kết thúc đúng thời gian hạn định và ông ta đã dùng suốt thời gian để trình bày một bản PowerPoint thật chi tiết, liên tục phản bác mọi luận điểm của Trung Quốc trên mọi khía cạnh có thể.
Chiến bắt đầu với một giới thiệu tổng quát về tình hình biên giới: hai trăm điểm tranh chấp với Trung Quốc đã được giải quyết qua tám năm thương lượng vào những năm 1990, với công tác phân chia hoàn tất vào năm 2008. “So với 314 cột mốc biên giới có với Nhà Thanh Trung Hoa [khi bước vào thế kỷ XX], thì nay đã có tới 1,971 cột. Vấn đề không phải ở trên đất liền, mà là ở ngoài khơi.” Một phần ba dân số Việt Nam sống dọc theo bờ biển, ông ta nói với tôi, và lĩnh vực liên quan đến biển chiếm 50% GDP của Việt Nam. Việt Nam yêu cầu chủ quyền đối với một thềm lục địa hai trăm dặm tại Biển “Nam Trung Hoa” [ngoặc kép của người dịch] mà họ gọi là Biển Đông và bác bỏ chữ “Trung Hoa” trong tên gọi đó. Điều dó cũng phù hợp với vùng đặc quyền kinh tế theo định nghĩa của Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển. Nhưng Chiến cũng nhấn mạnh, thềm lục địa này có “phần chồng lấn” với vùng biển tuyên bố của Trung Quốc và của Malaysia, cũng như với phần của Cambodia và Thái Lan kế bên Vịnh Thái Lan. Địa hình của Vịnh Bắc Bộ đã tạo ra một vấn đề nan giải, với bờ biển phía bắc Việt Nam bị án ngữ bởi đảo Hải Nam của Trung Quốc, Chiến giải thích rằng Việt Nam và Trung Quốc đã giải quyết vấn đề bằng việc phân chia vùng vịnh giàu tiềm năng này làm đôi, trong khi vấn đề phần cửa vịnh vẫn còn để ngỏ cần phân chia tiếp.
“Nhưng chúng tôi không thể chấp nhận đường lưỡi bò – đường vẽ thô bạo của Trung Quốc tại Biển Đông. Trung Quốc nói rằng vùng biển này đang tranh chấp. Chúng tôi nói không. Đường lưỡi bò xâm phạm chủ quyền của năm quốc gia.”
Chiến giới thiệu với tôi hàng loạt bản đồ trên máy tính của ông, và nhắc lại một quá trình lịch sử dài. “Khi các vua Nhà Minh chiếm đóng Việt Nam trong một khoảng thời gian vào thế kỷ XV, họ đâu có cai quản Hoàng Sa và Trường Sa. Nếu các quần đảo này thuộc về họ, sao các vua Nhà Minh không vẽ vào bản đồ của họ?” ông dẫn tiếp “ vào đầu thế kỷ XX tại sao bản đồ của các hoàng đế Nhà Thanh sao chẳng hề xuất hiện Hoàng Sa và Trưởng Sa nếu chúng thuộc về Trung Hoa?” Vào năm 1933, Pháp gửi quân đến Hoàng Sa và Trường Sa, ông ta nói với tôi, bởi vì đó là một phần của Đông Dương thuộc Pháp, ngày nay thuộc về Việt Nam. Ông ta thêm rằng vào năm 1956 và sau đó năm 1988, Trung Quốc đã dùng “sức mạnh quân sự” để chiếm lấy các bãi đá ở Hoàng Sa. Cuối cùng, ông ta giới thiệu một trang về nhà thờ Santa Maria del Monte tại Italy, nơi lưu trữ một tài liệu địa lý viết tay từ 1850, với một trang rưỡi trình bày rõ rằng Trường Sa thuộc về Việt Nam như thế nào. Sự quả đoán của ông với những chi tiết trình bày đó có một mục đích, như tại những bản đồ được trình bày tiếp theo trong bản PowerPoint, thể hiện phần lớn của Biển Đông, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa, được chia thành những ô vuông tí hon thể hiện những khu mà Việt Nam có thể nhượng quyền khai thác dầu mỏ cho các tập đoàn quốc tế trong tương lai.
Một viên chức ngoại giao nói: “ Khi đến với Biển Đông, thái độ ban đầu của Trung QUốc là rất lúng túng, người của chúng tôi còn nhớ rõ về điều đó.” Phó Đô đốc hải quân Nguyễn Viết Nhiên, Phó tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam, gọi đường lưỡi bò là “vô căn cứ.” Gặp gỡ tại Bộ tư lệnh Hải quân tại Hải Phòng – nơi từng bị Hoa Kỳ ném bom dữ đội từ 1965 đến 1972 – Phó Đô đốc Nhiên cho tôi thấy một sự khẳng định cương quyết nữa của Việt Nam. Phía sau ông là một bức tượng bán thân to của Hồ Chí Minh và một tấm bản đồ lớn thể hiện mọi vùng tuyên bố cạnh tranh tại “Biển Đông” như ông thường xuyên nhắc đến. Với bốn mươi lăm phút trình bày, ông chỉ rõ từng hành vi quân sự của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa: đặc biệt là việc xâm chiếm phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 từ tay của chính thể Sài Gòn đang suy yếu. Đường lưỡi bò, ông cho rằng, là một “giấc mơ lịch sử” của Bắc Kinh hơn là một yêu cầu chủ quyền mang tính pháp lý, mà, cái việc đưa vào để tranh luận giữa các nhà lãnh đạo Bắc Kinh với nhau về điều đó, cuối cùng có thể sẽ khép lại toàn bộ hay một phần đề tài này trong các cuộc thương lượng trong tương lai. Thêm vào đó, việc Trung Quốc xây dựng một hạm đội mạnh và dẫn dắt kinh tế Đông Á theo cái cách mà họ đang làm, có thể dẫn tới việc Trung Quốc thống trị Biển Đông như Hoa Kỳ đã từng thống trị vùng biển Caribe vào thế kỷ XIX. Thiếu tướng Lê Kim Dũng giải thích rằng sự bành trướng của nền kinh tế Trung Quốc – dù chậm – sẽ dẫn đến sự hiện diện rõ rệt của hạm đội của họ tại Biển Đông, đi đôi với niềm khao khát khai thác nguồn năng lượng tại đây. Bày tỏ quan điểm đối mặt với sự bành trướng đó, Việt Nam dựa vào một tinh thần dân tộc đang dâng cao - với cường độ mãnh liệt – đã từng thể hiện trong các cuộc chiến tranh trên đất liền các thập kỷ trước đây.
Người Việt Nam rất thường nói với tôi rằng Biển Đông không đơn thuần là một sự tranh chấp lãnh thổ: đó là ngã tư đường của thương mại hàng hải, là yếu tố sống còn về nhu cầu năng lượng của Hàn Quốc và Nhật Bản, và chính là nơi mà một ngày nào đó Trung Quốc có thể nắn gân sức mạnh của Hoa Kỳ tại Châu Á. Việt Nam tán thành ý nghĩa lịch sử và văn hóa của cái cách mà các nhà làm chính sách quản lý của Obama đã đặt tên cho thuật ngữ “Indo-Pacific”: Ấn Độ cộng với Đông Á.
Không gì minh họa rõ nét hơn cho mong muốn của Việt Nam trở thành vai chính trong khu vực bằng hành động qua đó họ đã mua sáu tàu ngầm hiện đại lớp Kilo từ Nga. Một chuyên gia quốc phòng Phương Tây nói với tôi rằng việc mua chúng chưa mang ý nghĩa gì cả. “Người Việt Nam sẽ thực sự sốc khi họ biết được rằng việc bảo dưỡng những chiếc tàu đó sẽ tốn kém thế nào.” Quan trọng hơn, Việt Nam sẽ phải đào tạo đội ngũ thủy thủ biết sử dụng chúng, một việc sẽ mất cả một thế hệ để làm được. “Thay vì ngồi đếm số tàu ngầm của Trung Quốc, họ nên tập trung vào các khí tài chống tàu ngầm và phòng vệ bờ biển là tốt hơn.” Rõ ràng, việc Việt Nam mua tàu ngầm là để nâng cao thanh thế, để chỉ rõ rằng chúng tôi nghiêm túc. Theo chuyên gia quốc phòng này, người Việt Nam “ đề cao cảnh giác” từ việc Trung Quốc tiến hành xây dựng căn cứ tàu ngầm nguyên tử dưới đất tại đảo Hải Nam trong Vịnh Bắc Bộ.
Giao dịch nhiều tỷ đô là mua tàu ngầm của Nga bao gồm cà 200 triệu đô la cho việc cải tạo Vịnh Cam Ranh, một trong những nơi bỏ neo sâu nhất Đông Nam Á, trấn tọa những con đường hàng hải tại Biển Đông, và là căn cứ quan yếu của quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Người Việt Nam nói rằng họ có ý định sử dụng Vịnh Cam Ranh cho các tàu nước ngoài. Ian Storey, Nghiên cứu sinh Học viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, nói rằng một người Việt Nam không nêu tên đã phát biểu rằng việc đại tu Vịnh Cam Ranh sẽ “đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ và tạo thuận lợi cho sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại Đông Nam Á như là một đối trọng cho sức mạnh đang lên của Trung Quốc.” Vịnh Cam Ranh là một địa điểm hoàn hảo cho chiến lược “vị trí không đóng căn cứ” của Lầu Năm Góc, là căn cứ quân sự của nước ngoài mà tàu chiến và máy bay Mỹ có thể viếng thăm để sửa chữa và tiếp nhiên liệu mà không cần phải có những thỏa ước khung nhạy cảm về chính trị và nghi thức. Các tàu chiến Hoa Kỳ - hàng không mẫu hạm, khu trục hạm, tàu tiếp liệu, tàu cứu thương đã thường xuyên định kỳ ghé thăm các cảng của Việt Nam. Ngô Quang Xuân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bồi thêm: “Sự hiện diện của Hoa Kỳ là cần thiết cho một bối cảnh hàng hải tự do tại Biển Đông.”
Một mối quan hệ chiến lược trên thực tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được thể hiện ít nhất là từ tháng bảy 2010 tại Diễn đàn Khu vực ASEAN tại Hà Nội, khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố rằng Hoa Kỳ có một mối “lợi ích quốc gia” tại Biển Đông, rằng Hoa Kỳ sẵn sàng tham gia vào nỗ lực đa phương để giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, và rằng tuyên bố lãnh hải phải trên cơ sở yếu tố đất liền: nghĩa là, trên cơ sở trải rộng của thềm lục địa, một nguyên tắc đã bị vi phạm bởi đường kẻ vạch hay còn gọi là đường lưỡi bò của Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Yang Jiechi gọi ý kiến của Clinton là “một sự chống đối lại Trung Quốc thật sự.” Các viên chức Hoa Kỳ cơ bản là coi thường phát biểu của Yang. Có lẽ không điều gì có thể minh chứng rõ việc Washington xích lại gần Việt Nam hơn là việc hai bên ký kết thỏa thuận năng lượng hạt nhân phục vụ dân sinh ba tháng trước mà theo đó về mặt lý thuyết Hoa Kỳ đồng ý hỗ trợ Việt Nam xây dựng một cơ sở năng lượng hạt nhân.
Thực tế là, không có quốc gia nào bị đe dọa bởi sự lớn mạnh của Trung Quốc bằng Việt Nam. Hãy nhìn việc Việt Nam tiếp cận ASEAN. Dĩ nhiên là Việt Nam muốn ASEAN mạnh hơn, để làm đố trọng với Trung Quốc, họ đã thực tế, họ nói với tôi như vậy. Họ biết rằng sự trỗi dậy mạnh mẽ của tinh thần quốc gia chủ nghĩa ở Châu Á – đối lập với tư tưởng hậu quốc gia chủ nghĩa nhiều thập kỷ tại Châu Âu – đã ngăn cản sự hội nhập giữa các nước thành viên ASEAN. “ASEAN thậm chí không phải là một thể thống nhất thuế quan – điều đã làm cho nó trở thành một khối trao đổi thương mại ở mức thấp,” một viên chức nói. Giữa những tấm màn nhung đỏ của bộ ngoại giao, bên bộ ấm trà tráng lệ và trong khung cảnh kiến trúc kiểu Pháp –Á, tôi đã được nghe tham vấn về những chiến lược cơ bản của Trung Quốc, mà theo người Việt Nam, là nhằm trì hoãn mọi cuộc đối thoại đa phương với các nước Đông Nam Á liên quan đến các tranh chấp về Biển Đông trong khi mà Bắc Kinh khẩn trương lớn mạnh hóa quân đội của họ, và, một cách cố tình, lôi kéo sự nhượng bộ của từng quốc gia Đông Nam Á riêng biệt khỏi cuộc bàn luận đa phương - chia cắt để chế ngự, nói một cách khác. Hạm đội củaTrung Quốc, các viên chức quốc phòng Việt Nam nói với tôi, đã thực sự to lớn hơn của tất cả các nước ASEAN gộp lại.
Nhưng Việt Nam không có lý do gì để xa lánh Trung Quốc hay nằm vào vòng tay của Hoa Kỳ. Việt Nam đã quá phụ thuộc vào (và quan hệ mật thiết với) Trung Quốc. Như chuyên gia người Australia Carlyle Thayer phân tích, mối quan hệ quân sự Việt Nam – Trung Quốc đã phát triển song song với mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Trong khi Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc nhiều hơn từ bất cứ quốc gia nào khác – vải vóc, máy móc, phân bón, thuốc trừ sâu, hàng điện tử, da giày, một loạt sản phẩm tiêu thụ, ta có thể liệt kê. Nền kinh tế nơi đây đơn giản là không thể vận hành mà thiếu đi Trung Quốc, ngay cả khi Trung Quốc qua việc tràn ngập thị trường Việt Nam với hàng hóa giá rẻ, đã hạn chế sự phát triển của khu vực sản xuất nội địa. Hơn thế, các viên chức Việt Nam bị ấn tượng bởi hoàn cảnh bất cân xứng về địa lý của họ, như họ nói, nước xa không cứu được lửa gần. Trung Quốc thì ngay kế cận còn Hoa Kỳ thì cách nửa vòng trái đất, điều đó có ý nghĩa như là việc người Việt Nam phải nhẫn nhục chấp nhận việc tàn phá môi trường do Trung Quốc khai thác quặng bauxit tại vùng Tây Nguyên màu mỡ, một dự án như nhiều dự án khác khắp đất nước sử dụng lao động người Trung Quốc hơn là sử dụng lao động người Việt Nam. “Chúng tôi không thể chuyển [đất nước mình-người dịch] đi nơi khác, về mặt thống kê chúng tôi chỉ to bằng một tỉnh của họ.” Nguyễn Tâm Chiến, một cựu Thứ trưởng Ngoại giao nói với tôi.
Với việc Liên bang Xô viết đã không ra tay hỗ trợ Việt Nam năm 1979, người Việt Nam sẽ không bao giờ lại đặt niềm tin vào một thế lực xa xôi. Do địa lý, người Việt Nam ở một mức độ nền tảng cơ sở nào đó không thể tin vào Hoa Kỳ. Một quan chức nói với tôi rằng đơn giản là Hoa Kỳ đã yếu đi, và hoàn cảnh còn tệ hơn, ông ta biện luận, khi Hoa Kỳ đặt mối quan tâm vào vấn đề Trung Đông nhiều hơn là việc trỗi dậy của Trung Quốc tại Đông Á. Đó là một phân tích chủ quan, tuy nhiên cũng có thể đúng, hoặc đúng một phần. Và vẫn còn đó nỗi lo sợ Hoa Kỳ sẽ bán đứng Việt Nam để đổi lại mối quan hệ nồng ấm với Trung Quốc: Xuân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, nhắc lại rõ sự kiện Nixon mở cửa quan hệ với Trung Quốc như là hành động trao cho Trung Quốc một bối cảnh chiến lược thuận tiện cho việc xâm lược Việt Nam. “Điều đó có thể lặp lại.” Ông ta gật gù thất vọng. Ngược lại, Việt Nam mong muốn Hoa Kỳ đóng một vai diễn lạnh lùng, thực tế trong nên ngoại giao toàn cầu, như là họ [Việt Nam] vậy. “Trở lực lớn nhất trong quá trình đối thoại với người Mỹ là vấn đề dân chủ và nhân quyền,” một viên chức cộng sản chính phủ nói với tôi. Người Việt Nam lo sợ điều đó bởi vì do tác động từ Quốc hội, truyền thông, hay từ nhiều nhóm áp lực khác ở Washington, người Mỹ có thể một ngày nào đó bán họ ra đưởng như là thời gian qua tại các nước độc tài hay bị giới quân sự chi phối khác: Thái Lan, Uzbekistan, và Nepal, thí dụ như thế. Người Việt Nam nhìn nhận sự miễn cưỡng trước đây của Hoa Kỳ kéo dài hàng mấy chục năm trong việc cân bằng cán cân với Trung Quốc tại Myanmar là xuất phát từ vấn đề nhân quyền và sự bướng bỉnh của Rangoon. “ Giá trị to lớn nhất phải là sự vững mạnh của đất nước và nền độc lập. Chính là một quốc gia, chứ không phải là từng cá nhân, có thể đem lại tự do.” Lê Chí Dũng, một Phó vụ trưởng của Bộ Ngoại giao, nói với tôi, cố gắng giải thích về triết lý chính trị của đất nước mình.
Đón đọc Định mệnh Việt Nam 3
Đón đọc Định mệnh Việt Nam 3
Asia Clinic, 9h01' Ngày thứ Ba, 15/4/2014
0 comments:
Post a Comment