Tôi đã từng suy nghĩ là tại sao những tờ báo như Tuổi Trẻ lại không dùng lợi nhuận thu được từ một số những bài báo tung tin liên tiếp , hay hàng loạt những tờ báo , kể cả VTV không lấy lợi nhuận từ việc đăng tin về những khó khăn trong đi lại của người dân địa phương khi không có cầu để qua sông ... để dùng coi làm từ thiện giúp đỡ người dân nơi đấy , kể cả coi như việc làm này là của các cấp chính quyền đi chăng nữa thì với tinh thần CHÍNH NGHĨA VÀ NHÂN ÁI họ cũng nên chia sẻ bớt một phần tiền thu được chứ nhỉ ?
"Chui túi Nilong" lên báo nước ngoài
Việc chui túi nilon qua suối đã trở thành một quả bom truyền thông thật sự. Sự kiện thì sẽ qua đi, nhưng nỗi buồn còn ở lại với ít nhất là những người có một tấm lòng. Sẽ còn có những day dứt, những thắc mắc và cả những dằn vặt khi vì một lý do nào đó chúng ta không đi đến cùng sự việc.
Nhưng đã đến lúc cần khép lại tất cả.
Tôi xin gửi tới các bạn bạn bài viết của Hai Giá khi nhìn nhận về sự việc “Chui túi nilon để …qua suối”.
Chui túi nilon những được và mất
Khi những tranh luận nảy lửa về vụ “chui túi nilon qua suối” vẫn còn đang nóng hổi trên khắp các diễn đàn, xoay quanh tính chân thật của vụ việc cũng như mức độ “nghiêm trọng” thực sự của nó, thì một dự án xây dựng cây cầu treo cho dân bản Nà Hỳ (thuộc huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) đã nhanh chóng được hình thành. Song song với điều đó, hình ảnh cô trò chui túi nilon vượt suối cũng đã kịp lan tỏa khá mạnh mẽ trên một số phương tiện truyền thông quốc tế, gần như tất thảy đều cho rằng, đó là điều lạ, rất lạ, thậm chí là “độc đáo”, đến từ một quốc gia mang tên Việt Nam.
Những mất mát từ Lai Châu
Cách đây chưa lâu, vụ sập cầu Chu Va ở một địa bàn miền núi khác – tỉnh Lai Châu đã đưa lại quá nhiều sự xót xa cho công luận. Nguyên nhân cuối cùng cũng đã được chỉ rõ, và đó vẫn là một nguyên nhân muôn thuở trong công tác xây dựng cơ bản ở Việt Nam, sự thiếu trách nhiệm, thậm chí là gian lận, từ các chủ thể tham gia vào quá trình tạo dựng cây cầu.
Dù đã cố gắng hết sức có mặt ngay tại hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn, truy tìm nguyên nhân vụ việc, nhưng có vẻ như những động thái rất đáng khích lệ này của Bộ trưởng Bộ GTVT chưa đủ để khỏa lấp sự phẫn nộ xen lẫn thất vọng và xót xa của dư luận. Một lần nữa câu hỏi về trách nhiệm trong công tác điều hành, quản lý của Bộ GTVT nói chung, và của Bộ trưởng nói riêng lại được đặt ra.
Đồng bào mất đi quá nhiều, Lai Châu đã mất đi quá nhiều, ngành giao thông cũng mất. Và gánh nặng vẫn đang đặt trên vai “ngài tư lệnh ngành giao thông”.
Nhìn lại từ Nghệ An
Đây không phải là lần đầu tiên tờ báo Tuổi Trẻ đưa đến cho bạn đọc những sự kiện gây chấn động dư luận như vậy. Gần đây nhất, phóng viên Vũ Toàn đã làm dậy sóng cả nước bởi loạt bài “Lên lớp 4 chưa vẫn chưa biết đọc”, phản ánh về thực trạng giáo dục tại một địa bàn trên tỉnh Nghệ An. Cũng rất nhanh chóng, sự kiện này được phủ rộng cả nước bởi sự vào cuộc kịp thời của Đài truyền hình Việt Nam (VTV).
Cả nước nhìn về Nghệ An với một sự bàng hoàng sững sờ. Không ai có thể ngờ rằng, điều này lại có thể xảy ra tại một địa phương hiếu học vào loại bậc nhất như vậy.
Tuy nhiên, ngày 27/2/2014, đoạn clip quay trực tiếp cảnh cô bé học sinh Nguyễn Thị Lê (là đối tượng phản ánh của phóng viên Vũ Toàn) đang đọc vanh vách trong lớp học được tung lên công luận, đã chứng minh một điều rằng, những gì mà phóng viên của tờ Tuổi Trẻ này đã phản ánh là không chân thực, không chính xác.
Đáng tiếc rằng sức lan tỏa của tờ báo Nghệ An và cả báo Tầm Nhìn là quá nhỏ. Không phải ai cũng nắm được sự thật này, trong khi tờ Tuổi Trẻ và đặc biệt là Đài truyền hình Việt Nam vẫn không hề có dù chỉ một tin đính chính và không hề có bất cứ một chút trách nhiệm gì với nguồn tin mình đã đưa.
Đến Nà Hỳ, Điện Biên
Lần này, cũng lại là Tuổi Trẻ và VTV, kèm theo đó là những phản ứng của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và như thường lệ lại là rất nhanh chóng! Nhanh chóng đến mức độ không chỉ sớm nhận được tung hô nhiệt liệt của dư luận, mà xen lẫn đâu đó còn xuất hiện cả những sự nghi ngờ!
Rõ ràng đó là một clip thật, tất nhiên! Nà Hỳ thật, suối rừng thật, học trò thật, cô giáo thật, trai tráng thật, xe máy thật và túi nilon cũng thật! Nhưng người ta nghi ngờ, clip đó giống như một bộ phim, mà phim thì thật chứ cuộc đời đâu hẳn đã như vậy?
Không vô lý chút nào khi có người cho rằng, đó chỉ là một tình huống ngẫu hứng, thậm chí vui đùa của cô giáo trẻ cùng các thanh niên trai tráng, giữa một bối cảnh hiền hòa êm ái của con suối Nậm Pồ (xin lưu ý trong khi cô giáo và các trò chui túi nilon vượt suối thì vẫn có người nhởn nhơ bơi lội giữa dòng).
Không vô lý chút nào khi người ta đặt câu hỏi, tại sao ngoài và trước báo Tuổi Trẻ, cũng đã có rất nhiều đoàn đến làm công tác nhân đạo ở Nà Hỳ, nhưng tuyệt nhiên không ai phản ánh chuyện qua suối độc đáo đến như vậy? Và tại sao clip được quay từ những ngày tháng 9/2013 nhưng đến bây giờ mới công bố, và đối tượng công bố lại là Tuổi Trẻ, tất nhiên sau đó là VTV?
Được và mất?
Những mất mát của vụ đứt cầu treo ở Lai Châu bỗng dưng chìm nghỉm trước một clip “vô thưởng vô phạt”. Những trách nhiệm đáng bị truy đến tận nơi tận chốn của những người có trọng trách trong ngành GTVT bỗng dưng bị che phủ trước những lời khen ngợi vì đã “nhanh chóng cho dân một cây cầu ở Nà Hỳ”. Lẽ nào rẻ đến như vậy? Lẽ nào chỉ đơn giản một cây cầu treo chưa đầy 4 tỷ, bỗng nhiên không chỉ cứu cánh mà còn cứu vãn được cho danh dự của bao nhiêu người trước truyền thông?
Còn truyền thông thì được vinh danh.
Cầu cho dân thì ở đâu cũng cần, bao giờ cũng cần, một cây cầu được dựng lên là một niềm vui cho những người dân bản và cho đông đảo những tấm lòng hướng thiện từ mọi miền đất nước nhìn về dân bản. Nhưng hãy đừng để lòng tốt của mình bị trục lợi!
Và, với lương tâm của những người cầm bút, thay vì tập trung chỉ đòi hỏi một cách rất hiếu thắng để có một cây cầu, hãy đòi hỏi những người cán bộ của chúng ta phải giải quyết công việc một cách có hệ thống, có quy hoạch, đừng điều hành theo kiểu lửa cháy tới đâu mình dập tới đó nữa, vấn nạn này đã xảy ra nhiều quá rồi. Đừng nhân danh phản ánh xã hội để rồi hình ảnh đất nước ta đến với bạn bè năm châu bằng những “góc nhìn lạ” như thế nữa, đừng biến những điều không đại diện cho thực tiễn, không đại diện cho phổ quát để rồi gây nên những đánh giá sai về thực trạng xã hội như thế nữa!!!
HAI GIÁ
Nguồn :Bao Bất Đồng và Vụ Chui túi nilon: Những được và mất?
0 comments:
Post a Comment