Nguyễn Đình Lương (Nguyên Trưởng đoàn đàm phán HĐTM Việt Nam - Hoa Kỳ)
Ông Nguyễn Đình Lương |
Ts Lê Đăng Doanh:Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài phát biểu quan trọng này, mong đến được thật nhiều bạn đọc để giúp hiểu rõ hơn về bản chất của hội nhập quốc tế, vị thế của nước ta, cơ hội và thách thức của chúng ta trong cuộc vừa hợp tác, vừa đấu tranh với những đối tác mạnh hơn nước ta rất nhiều. Tác giả với hiểu biết sâu sắc và kinh nghiệm thực tế phong phú đã trình bày rất thẳng thắn, đi vào bản chất của vấn đề, rũ bỏ những ảo tưởng lãng mạn về những bước đi sắp tới. Lập luận của tác giả hướng tới cải cách thể chế không thể thoái thác để tiến lên. ( Theo BVN)
Vấn đề tác động của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đối với Việt Nam: cơ hội và thách thức là vấn đề lớn, mới mẻ.
Rõ ràng, kinh tế toàn cầu hóa đang lan chảy một cách mau lẹ và đang kết nối gần như tất cả các nền kinh tế trên thế giới lại với nhau dưới những chiếc gậy thần của các Tập đoàn xuyên quốc gia.
Tổ chức thương mại thế giới WTO ra đời ngày 1/1/1995, nay đã cơ bản hoàn thành sứ mệnh của nó là phá nát và dọn sạch những hàng rào bảo hộ, tạo ra một sân chơi thoáng cho nền kinh tế thế giới. Làm xong sứ mệnh đó, WTO đang trở thành một câu lạc bộ có thành phần quá đa dạng và phức tạp, không thể tìm được sự thống nhất để thiết kế một khung pháp lý mới rộng hơn, sâu hơn cho nền kinh tế toàn cầu hóa. Vòng đàm phán Doha dậm chân tại chỗ, coi như bế tắc.
Trong hoàn cảnh đó người ta phải phá rào, tách ra đi tìm những chỗ chơi thông thoáng, tự do hơn và từ đó các Hiệp định mậu dịch tự do FTA, song phương và khu vực được cổ vũ.
Ảnh minh họa |
Chỉ người... giàu bàn chuyện hội nhập
Các FTA đang được cổ vũ ở đâu?
Người châu Phi da đen chưa muốn nghe chữ FTA, họ đang bận lo cơm áo hàng ngày, những người nói tiếng Ả rập chưa có thì giờ bàn chuyện FTA, họ đang mắc kẹt trong những câu chuyện về "Mùa xuân Ả-rập". Hăng hái bàn FTA chủ yếu ở khu vực người giàu, muốn giàu nhanh, đặc biệt ở Bắc Mỹ rồi đến châu Âu, châu Á.
FTA có những loại nào?
FTA có những dạng khác nhau, mức độ và phạm vi cam kết khác nhau tùy thuộc vào trình độ phát triển và ý đồ chiến lược của các nước tham gia. Hiện tại đã có một số loại sau.
Loại FTA có mức độ cam kết thấp hơn, phạm vi hẹp hơn như các FTA mà ASEAN ký với các đối tác Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v... Ở đây người ta tập trung chủ yếu là giảm bỏ thuế XNK mở cửa thị trường cho hàng hóa tự do lưu thông, các lĩnh vực khác như đầu tư, dịch vụ, Sở hữu trí tuệ, v.v... phạm vi cam kết hoặc rất hạn chế hoặc chung chung ít ràng buộc.
Loại FTA cam kết ở mức cao hơn, chặt chẽ hơn, bền vững hơn, đó chủ yếu là các FTA song phương mà Hoa Kỳ đã ký với các nước, Canada, Austraylia, Singapore, Chi Lê, Hàn Quốc. Ở đây cam kết rất rộng, rất sâu, cả thương mại, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm công, có cả cam kết doanh nghiệp quốc doanh và môi trường, lao động. Đây có thể coi là FTA thế hệ mới.
Nếu đàm phán kết thúc, có lẽ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ là dạng FTA mới nhất, hiện đại nhất, có mức độ cam kết sâu rộng nhất, có những quy định chặt chẽ nhất. TPP đang được gọi là "Hiệp định thế hệ mới"; "Hiệp định của thế kỷ 21"; là "Câu lạc bộ của những người tự do kinh tế chủ nghĩa". Nó là sân chơi của những người giàu.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã rất dũng cảm quyết định vào chơi ở sân chơi đẳng cấp này. Cái ước mơ "sánh vai các cường quốc năm châu" của người Việt có thể được nhen nhóm từ đây nếu chúng ta thành công trong cuộc chơi này.
Không thể đi nhặt bóng cho người khác chơi gôn
Cho đến lúc này, Việt Nam chưa tham gia FTA thế hệ mới. Mỹ chưa đàm phán FTA song phương với Việt Nam. Việt Nam đang đàm phán TPP. Gia nhập TPP sẽ được coi là Việt Nam tham gia FTA thế hệ mới. Do đó xin phép chủ yếu phân tích tác động của TPP vào Việt Nam.
Với kết cấu nội dung và thành phần tham gia, TPP mang đậm màu sắc địa chính trị, những tác động của nó không chỉ tăng trưởng thương mại tức thời, mà sẽ tác động lâu dài, sâu sắc, vào thể chế, vào con đường phát triển, vào đường lối chính sách của Việt Nam. Những tác động nêu sau đây là những tác động lâu dài và sẽ là cơ hội nếu chúng ta xử lý tốt, và cũng là thách thức nếu chúng ta xử lý không thành công.
Tác động thứ nhất, TPP sẽ tạo sức ép tinh thần và pháp lý để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế thị trường có sức cạnh tranh.
Sân chơi TPP là sân chơi của những nước có nền kinh tế thị trường có sức cạnh tranh cao, rất cao, là những quốc gia có nền kinh tế mở, rất mở, đặc biệt là Hoa kỳ, Nhật Bản, Canada, Australia, Singapore... Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh các nền kinh tế thế giới, các nước này luôn đứng đầu bảng.
Cuộc chơi trong TPP là cuộc chơi trên nền tảng toàn cầu hóa mà các quốc gia này là những quốc gia đã chuẩn bị đầy đủ nhất, tốt nhất, sẵn sàng nhất để khai thác các lợi thế của toàn cầu hóa.
Không có chuyện chiếc bánh lợi ích sẽ được chia đều cho tất cả những ai ngồi trên mâm toàn cầu hóa. Anh nào mạnh, anh nào giỏi sẽ giành phần hơn. Việt Nam phải có nền kinh tế thị trường có sức cạnh tranh mới mong được phần lợi lộc. Nếu không giỏi, không mạnh anh sẽ chỉ là người đi nhặt bóng cho người ta chơi gôn. Việt Nam cũng không thể đứng mãi ở vị trí áp chót trong chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển chủ yếu dựa vào lao động cơ bắp.
Những quy định rất chặt chẽ trong Hiệp định TPP nói lên rằng tất cả những cái gì không phải là kinh tế thị trường, thì phải xóa bỏ bằng hết. Điều đó có nghĩa là nó sẽ tác động vào cả thể chế, cả cách điều hành kinh tế, quản lý xã hội và Việt Nam sẽ có sự thay đổi sâu sắc trong cách vận hành nền kinh tế của mình.
Thực hiện xong những cam kết trong TPP Việt Nam đàng hoàng có một nền kinh tế thị trường, không cần phải áo the khăn xếp đi lạy xin ai công nhận cho Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ |
Tác động thứ hai: TPP sẽ tạo điều kiện và sức ép để Việt Nam xây dựng một đội ngũ doanh nghiệp mạnh.
Trong một cuộc chiến tranh, đã có bộ tham mưu giỏi, nếu không có tướng tài lính thiện chiến trên chiến trường thì cũng không có chiến thắng. Trên thương trường, chính các doanh nghiệp giỏi là những người làm nên thành công.
Kinh tế toàn cầu hóa là cuộc đua giữa các đại gia, các tập đoàn xuyên quốc gia. Các tập đoàn xuyên quốc gia nắm trong tay vốn, công nghệ, sản xuất, thị trường. Họ chi phối cả thị hiếu tiêu dùng của thế giới những người tiêu dùng. Họ chi phối cả chính sách của cả quốc gia và quốc tế. Họ đang có mặt khắp mọi nơi. Ở Việt Nam các tập đoàn xuyên quốc gia đang triển khai các dự án lớn nhất, quan trọng nhất.
Nhà nước chỉ làm chức năng kiến tạo, Nhà nước lập khuôn khổ pháp lý cho phù hợp và tạo điều kiện cho dân, cho doanh nghiệp làm giàu cho mình và cho đất nước. Đội ngũ doanh nghiệp là bộ mặt quốc gia, là sức mạnh của nền kinh tế. Không thể có nền kinh tế mạnh mà đội ngũ doanh nghiệp yếu. Kinh tế Mỹ cũng thế, kinh tế Nhật cũng thế, kinh tế Hàn Quốc cũng thế và kinh tế nước nào cũng vậy.
Việt Nam phải có một đội ngũ doanh nghiệp mạnh mới có hy vọng thành công trong cuộc đua toàn cầu hóa. Tất nhiên không phải là Vinashin, Vinalines, cũng không phải là các đại gia chênh lệch giá đất. Các đại gia chênh lệch giá đất không có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới vì ở đó không có chênh lệch giá đất nhờ luật pháp tù mù như ở Việt Nam. Có thể hình dung là bồi dưỡng những loại doanh nghiệp như Viettel, FPT để họ sớm trưởng thành và phải có hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn doanh nghiệp mạnh hơn nữa.
Cái tình trạng các tập đoàn thế giới đến đây chủ yếu ngồi cò cử với quan tỉnh, quan huyện, và quan trên... chỉ có ở Việt Nam.
Những quy định chặt chẽ trong Hiệp định TPP nhắc chúng ta nhớ rằng quyền lợi và nghĩa vụ của các nhà đầu tư nước ngoài được xác định rất rõ ràng, đảm bảo cho họ đầy đủ tự do hoạt động trong một nền kinh tế tự do, lợi ích của họ được bảo hộ tuyệt đối vững chắc.
Việt Nam phải có những người giỏi để cùng người nước ngoài khai thác thị trường trong nước và đi khai thác ở các nước đối tác TPP, các nước khác như họ đang khai thác trong nước mình. Những người đó phải là những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp mạnh có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thị trường thế giới.
Các nghị sĩ QH sẽ phải đau đầu
Tác động thứ ba, TPP tạo cơ hội và sức ép tinh thần, sức ép pháp lý để Việt Nam củng cố một Nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật. Ở đây có mấy việc phải làm song song.
Việc thứ nhất là phải hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống pháp luật . Hầu hết các quốc gia trong TPP đều có hệ thống pháp luật hoàn thiện và hiện đại của một quốc gia phát triển.
Có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và hiện đại Việt Nam mới hy vọng bảo vệ được lợi ích của mình. Nếu luật pháp không hoàn chỉnh Việt Nam sẽ rơi vào thế bất lợi, và chắc chắn luôn chịu thua thiệt.
Hoa Kỳ là quốc gia có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh nhất hiện đại nhất. Hệ thống pháp luật của họ cũng là hành lang pháp lý vận hành nền kinh tế toàn cầu hóa, đủ mạnh để bảo vệ lợi ích nước Mỹ và công dân Mỹ ở bất cứ nơi nào, đủ mạnh để bảo vệ cho doanh nghiệp Mỹ làm giàu trên đất Mỹ và bất cứ nơi nào trên thế giới. Hoa Kỳ đang cố gắng để từng bước quốc tế hóa hệ thống luật Mỹ, trước đây thông qua WTO nay thông qua các FTA, TPP.
ĐBQH Việt Nam nhiệm kỳ 2001-2005 đã phải vô cùng vất vả đánh vật với cuộc cải tạo, sửa đổi hệ thống luật, từ kinh tế bao cấp độc quyền sang kinh tế thị trường, không phân biệt đối xử theo những cam kết trong Hiệp định thương mại (BTA) Việt Nam - Hoa Kỳ và để chuẩn bị gia nhập WTO.
Rồi đây các nghị sĩ có thể sẽ đau đầu khi luật hóa những khái niệm mới, những tiêu chuẩn mới chưa hề gặp phải mà Hoa Kỳ đang gò vào TPP. Âu đây cũng là cơ hội để ta hiện đại hóa luật pháp của ta cho thích ứng với kinh tế toàn cầu hóa.
Việc thứ hai, củng cố các tổ chức hỗ trợ tư pháp làm chỗ dựa cho các doanh nghiệp trong hội nhập: Xây dựng một hệ thống tư pháp mạnh; Xây dựng một hệ thống trọng tài mạnh; Xây dựng hệ thống các cơ quan hỗ trợ tư pháp mạnh (Hội Luật gia, Công chứng, Giám định); Xây dựng một hệ thống thông tin pháp luật tốt; Đào tạo đội ngũ chuyên gia pháp luật giỏi, hình thành mạng lưới các tổ chức tư vấn pháp luật giỏi (các vụ kiện quốc tế, cho đến nay Việt Nam toàn đi thuê tư vấn nước ngoài).
Nếu không có một hệ thống hỗ trợ tư pháp mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể trụ đứng được trong cuộc chơi toàn cầu, ngay chính trên đất nước mình.
Việc thứ ba, phải xây dựng bằng được "Văn hóa sống và làm việc theo pháp luật". Người dân phải biết luật, sống theo pháp luật phải biết tôn trọng pháp luật, phải biết sợ khi làm trái luật, có ý thức tránh những việc làm trái luật.
Doanh nghiệp kinh doanh phải theo đúng luật, biết sợ biết tránh làm trái luật, phải biết loại ra khỏi đầu ý nghĩ, lòng ham muốn lách luật, trốn thuế để trục lợi. Công chức cơ quan Nhà nước phải nắm luật để hướng dẫn thi hành, phải đôn đốc kiểm tra, thường xuyên kiểm tra. Ở đâu sai người phụ trách việc đó phải xuống tận nơi xử lý (không thể lúc nào cũng lập hết ủy ban này, ủy ban nọ, đoàn kiểm tra lớn, đoàn kểm tra bé. Thế giới không làm vậy).
Cơ quan tòa án chiểu theo luật mà xử, xử đúng luật đúng người, đúng tội; không phải chờ ý kiến chỉ đạo của ông này, bà kia. Không xử oan sai, nhiều hơn xử đúng. Không xử như tòa án Tuy Hòa, Phú Yên vừa qua.
Sống và làm việc theo pháp luật là thứ văn hóa phổ cập ở khắp nơi, không có lý do gì để Việt Nam làm khác.
0 comments:
Post a Comment