Vĩ Thanh
Ảnh bên:Hà Nội đang là địa phương có dịch sởi diễn biến nghiêm trọng nhất trên cả nước. Tuy nhiên việc công bố dịch vẫn đang bỏ ngỏ. Ảnh:baophapluat.vn.
Dịch sởi trên cả nước vẫn có những diễn biến khó lường khi số ca nhiễm bệnh đã lên tới 7.000. Hà Nội cũng đang là địa phương có số lượng trẻ nhiễm nhiều nhất cả nước, chiếm 1/3 số ca nhiễm bệnh và 1/2 số ca tử vong.
Bộ Y tế khẳng định không giấu dịch
Theo Người Lao Động, để trả lời cho câu hỏi có hay không việc Bộ Y tế đang giấu dịch sởi trên cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Nếu Bộ Y tế giấu thì đã không công bố các thông tin. Bộ Y tế không giấu giếm bất cứ một thông tin nào!” Đối với thông tin về số trẻ tử vong Bộ chỉ công bố là 25 trong khi thực tế đã là 108, Bộ trưởng Tiến cho rằng trong 108 ca tử vong liên quan đến bệnh sởi, có 25 ca chắc chắn hoàn toàn tử vong là do sởi, còn những trường hợp khác là trên nền bệnh khác, nhập viện vì bệnh khác, sau đó nhiễm sởi. Ngoài ra, nhiều trường hợp mắc bệnh sởi với diễn biến nhẹ vào viện nhưng sau đó lại kèm theo các bệnh khác hay trên cơ địa bệnh chuyển hóa, suy dinh dưỡng, tim bẩm sinh…
Tuy nhiên, trong khi Bộ trưởng bày tỏ sự “đau đớn” vì số lượng trẻ tử vong cao bất thường thì lý giải trên thiếu tính thuyết phục. Dù không liên quan trực tiếp đến bệnh sởi, nhưng vì xuất hiện sởi mà những bé đang có bệnh khác bỗng trở nên trầm trọng hơn rồi tử vong thì không thể nói là bệnh sởi hầu như chẳng có liên quan để không đưa vào báo cáo! Còn nếu đã bị sởi sau đó xuất hiện thêm bệnh khác thì điều đó có nghĩa là trẻ đã xuất hiện biến chứng, hoặc sởi đã làm giảm sức đề kháng của trẻ và tạo cơ hội cho bệnh tật xâm phạm vào cơ thể bé. Như vậy, thật khó hiểu khi Bộ Y tế lại tách riêng số ca tử vong do sởi và do biến chứng của bệnh này.
.............
Theo báo cáo của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, cho đến thời điểm này đã có 108 trường hợp tử vong do sởi và các bệnh biến chứng sau sởi. Trong đó có 103 ca tại Bệnh viện Nhi trung ương, 4 ca tại Bệnh viện Bạch Mai và 1 ca tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
..................
Thời gian qua, thông tin về số bệnh nhân nhiễm sởi hay số ca tử vong dường như luôn được công bố chậm và hầu như có phần hạ thấp cả về nguy cơ lây bệnh lẫn tình hình nghiêm trọng của dịch. Nếu không qua những thông tin lan nhanh trên Facebook và việc thị sát trực tiếp của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thì liệu con số chính xác có được cập nhật nhanh để cảnh báo cho các phụ huynh?
Thêm vào đó, sau mỗi đợt tiêm chủng báo cáo luôn là những tỷ lệ cao ngất trên 90%. Tuy nhiên, trong đợt bùng phát bệnh sởi này thì những ca lây nhiễm hay biến chứng lại chủ yếu rơi vào số chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ. Chỉ riêng Hà Nội đã có hơn 1.000 ca nhiễm. Điều này cũng là cú giáng khá mạnh vào chính chất lượng của những đợt tiêm chủng đang được tiến hành tại nhiều địa phương. Có hay không việc con số báo cáo không thể được như số lượng thực tế?
..............
Tại cuộc họp ngày 8/4, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết Hà Nội đã tiêm vét vắc xin sởi cho hơn 400.000 trẻ, đạt 76,3% . Số còn lại tiếp tục được tiêm trong tháng 4 và ông Cảm cho biết đến hết tháng 4 dịch sởi ở Hà Nội sẽ được kiểm soát.
....................
Dịch sởi tại Hà Nội nghiêm trọng nhất trên cả nước
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội vào chiều qua 16/4: chỉ trong thời gian đầu năm 2014 Hà Nội, đã phát hiện 2.287 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 452/584 xã phường của 30/30 quận huyện. Qua xét nghiệm đã có 1052 trường hợp dương tính với sởi. Trong đó, 88,5% số mắc bệnh sởi tại Hà Nội chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, trong đó 24% là trẻ dưới 9 tháng tuổi. Theo đó, Hà Nội do nằm trong vùng không khí nóng ẩm kéo dài nhiều ngày, đã khiến thành phố này dẫn đầu cả nước cả về số lượng bệnh nhân và số trẻ tử vong. Tại TP.HCM bệnh cũng bùng phát nhưng không có nhiều trẻ tử vong đến vậy.
Tuy nhiên, đến nay Hà Nội vẫn chưa thể công bố dịch do còn phải… xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP, theo thông tin từ Dân Trí. Bộ trưởng Tiến tuyên bố: “Công bố dịch hay không là quyền của UBND các tỉnh, Bộ Y tế không được phép can thiệp. Ví như với bệnh tay chân miệng, UNND tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn chủ động công bố dịch, không có sự tác động nào của Bộ Y tế. Trong tình huống này, chúng tôi cũng không được quyền trả lời thay y tế địa phương, hoàn toàn phụ thuộc vào ý kiến của UBND Hà Nội, có công bố dịch hay không là quyền của họ, sau đó Bộ Y tế mới có thể có ý kiến”.
................
Trả lời trên tờ Vietnam Plus, ông Takeshi Kasai - Trưởng đại diện WHO cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới chỉ cần 3 ca bệnh thôi là có thể công bố được thành dịch, nhưng do mục đích của các quốc gia khác nhau nên không có định nghĩa toàn cầu nào về dịch. Bên cạnh đó, ông Kasai nhấn mạnh, Bộ Y tế nên đặt tình trạng sởi hiện nay vào tình huống khẩn cấp, nghiêm trọng và cần phải nỗ lực hết sức để kiểm soát được tình trạng này.
.............................
Vậy là trách nhiệm đã được Bộ trưởng bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, theo khoản a Điều 38 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm có nêu rõ “Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C”. Bệnh sởi được xác định là thuộc nhóm B. Vậy nhưng, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lại chờ xin ý kiến từ UBND, còn Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng việc Hà Nội có công bố dịch hay không công bố là điều không quan trọng. Mà quan trọng nhất là phải triển khai quyết liệt và có hiệu quả công tác phòng chống dịch, khống chế dịch. Nhưng triển khai như thế nào, khống chế thế nào khi chính người dân Hà Nội chỉ biết thông tin thủ đô đang đứng đầu về ca tử vong liên quan đến bệnh Sởi
Tình trạng bệnh lây lan nghiêm trọng là thế nhưng đến nay việc có công bố dịch sởi tại Hà Nội hay không vẫn chưa có câu trả lời từ Bộ Y tế, trong khi từng ngày số lượng bệnh nhân nhiễm sởi vẫn tăng lên và đau xót hơn là con số trẻ tử vong cũng ngày một lớn.
0 comments:
Post a Comment