Đình Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội là một ngôi đình khang trang, bề thế, cổ kính có từ thời hậu Lê (thế kỷ XVII). Đình Đại Phùng phối thờ hai vị thần là Tích Lịch Hòa Quang và danh tướng Vũ Hùng. Tích Lịch Hòa Quang là thiên thần (một trong vị thần của tứ pháp: Mây-Mưa-Chớp). Vũ Hùng là nhân thần là danh thời vua Trần Hiển Tông.
Theo lời thần phả thì Đình Đại Phùng có từ thời Trần, song hiện nay kiến trúc nghệ thuật mang niên đại từ Thế kỷ XVII, XVIII, XIX và cả XX. Ta có thể nhận dạng ngôi đình được làm quy mô lớn, trang trí đẹp vào thế kỷ XVII (Ngôi đại đình). Sang thế kỷ XVIII, XIX làm thêm tiền tế và hậu cung... nhiều lần tu bổ thêm.
Giá trị đặc biệt về kiến trúc đình Đại Phùng là tòa đại đình hình chữ nhất được làm toàn bằng gỗ xoan, hàng cột cái to lớn, người ôm không xuể.
Đặc biệt là các mảng chạm khắc gỗ phản ánh sinh hoạt của xã hội đương thời. Tiêu biểu là môtíp hoạt cảnh “Vinh quy bái tổ”. Đám rước về làng có cảnh ca công của lối hát ca trù truyền thống, các bức diễn tả hội làng đông vui với nhiều trò diễn xướng, trò chơi như: đấu vật, đá cầu...
Đặc sắc là các cảnh: Trai gái tình tự, tiên tắm đầm sen, uống rượu, đánh cờ… từ các loài vật linh thiêng như: Rồng, Phượng, Ngựa, Voi đến các con vật gần gũi với người như: Mèo, Thạch Sùng, Chim, Cá... đều được chạm khắc sinh động trong nội thất ngôi đình. Những tác phẩm điêu khắc đồ sộ, hoàng tráng trở thành không gian sinh hoạt vui vẻ, gần gũi, đầm ấm của làng quê Việt.
Đình Đại phùng được Bộ Văn hóa-Thể-thao và Du lịch công nhận từ năm 1991 và xếp vào hạng Di tích đặc biệt quan trọng cấp Quốc gia.
Đình Đại phùng được Bộ Văn hóa-Thể-thao và Du lịch công nhận từ năm 1991 và xếp vào hạng Di tích đặc biệt quan trọng cấp Quốc gia.
Năm 2010, ngôi đình được trùng tu lớn, kinh phí trên 20 tỷ đồng, được gắn biển “Công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội”.
Theo Đình Đại Phùng - Minh Nhương
Đình Đại Phùng đẹp, có nhiều mảng chạm tuyệt tác của điêu khắc dân gian, nên chúng tôi thường ghé thăm. Vừa rồi, về lại Đại Phùng thì thật ngỡ ngàng vì cả một sân nhỏ trước cửa Tiền tế của đình giống như một cửa hiệu bày bán đồ đá mỹ nghệ.
Chúng tôi không hiểu con vật này là con gì:
Cũng không phải con SƯ TỬ ĐÁ, vì hình dáng sư tử đầy ở các cửa trụ sở công ty ở Hà Nội và các tỉnh thành.
Không phải con LONG MÃ, vì con Long Mã trên lưng nó chở HÀ ĐỒ, gọi là "Long Mã tải Hà Đồ", và đi một cặp với: "Thần quy phụng Lạc Thư".
Long mã tải Hà đồThần quy phụng Lạc thư.
Long mã mang bức vẽ ở sông Hoàng Hà (a)Rùa thần cõng bản viết ở sông Lạc Thủy (b)
(a) Theo lời giảng giải ở thiên Cố mệnh sách Thượng thư thì khi Phục Hy làm vua thiên hạ, có con vật đầu rồng mình ngựa (long mã) từ sông Hoàng Hà đi lên, trên lưng có một bức vẽ, Phục Hy đã dựa vào đây mà vạch thành tám quẻ (bát quái). Bức vẽ được gọi là “Hà đồ = bức vẽ ở sông Hoàng Hà”.
(b) Tương truyền sau khi vua Vũ trị thủy thành công, ở sông Lạc Thủy có con rùa thần nổi lên, trên lưng có hoa văn, vua Vũ đã theo đó sắp xếp thành chín khoảnh (cửu trù) vẽ chữ số từ 1 đến 9 gọi là “Lạc thư = bản viết ở sông Lạc Thủy”.
Hà đồ và Lạc thư là những phát minh quan trọng về dãy số tự nhiên (1, 2, 3…), đồng thời áp dụng nó vào việc tính toán (8 vạch, 64 quẻ…), mở rộng ra, có thể giải thích nhiều hiện tượng trước mắt và suy đoán những việc sẽ xảy tới trong cõi vũ trụ, nhân gian (tự nhiên, xã hội, con người). Kinh Dịch, Hệ từ hạ có câu: “Hà xuất đồ, Lạc xuất thư, thánh nhân tắc chi = sông Hoàng Hà xuất hiện bức vẽ, sông Lạc Thủy xuất hiện bản viết, thánh nhân lấy đó làm phép tắc (để cai trị nước, đem lại hạnh phúc cho con người). - Theo giải nghĩa của Tuấn Nghi và Tảo Trang trên Tạp chí Hán Nôm số 1 năm 1991.
Thế nhưng con vật ở Đình Phùng lại đội đĩnh vàng (có ghi rõ chữ Hán "kim" là vàng). Nếu nó là con Long Mã, thì hóa ra người ta đang nhạo báng Bát quái à? Thế ra là "LONG MÃ TẢI KIM NGÂN" à? Người dân Đại Phùng đâu dám nhạo báng thánh hiền như thế!
Liệu nó có phải là con KỲ LÂN, giống như con Kỳ Lân trong các đồ án trang trí ở cố đô Huế chăng?
Hỏi ông bạn quý là TS Trần Đức Anh Sơn - nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, xem con vật ở đình Phùng là con gì, có phải con Kỳ Lân Huế không?
Xem ảnh xong, ông Sơn bảo thế này:
Anh Son Tran Duc "Một pho tượng sai cả về hình dáng, tỉ lệ, kiểu thức tạo hình và vô cùng vụng về trong kỹ thuật chạm khắc. Trình độ tay nghề của thợ quá tệ, tương tự như trình độ văn hóa, sự hiểu biết và thẩm mỹ của kẻ đặt làm pho tượng "kỳ quặc thú" này và đã đưa nó về đặt tại đây. Rõ là đồ vừa ngu vừa điên".
Thạc sĩ Trần Hậu Yên Thế ở trường ĐH Mỹ Thuật là người tinh thông về các đồ án trang trí cổ mỹ thuật thì gọi là KỲ LÂN HIẾN NGỌC.
Thế Trần "Cái này là Kỳ lân hiến ngọc rất thịnh hành cùng với lão béo Thần tài hay được người Hoa đặt ở cửa hàng cửa hiệu, tiệm ăn".
Còn bác Nguyễn Viên thì bảo:
Nguyễn Viên "Nhìn con Long Mã kia thật đáng thương. lẽ ra mặt của nó phải là mặt rồng nhưng mũi nó lại là mũi Chó, chẳng lẽ con này là linh vật mới xuất hiện (Cẩu Long Mã )".
Rút cục là nó là con gì?
NGHÊ - SƯ TỬ - LONG MÃ - KỲ LÂN - CẨU LONG MÃ?
Xin các vị cùng xem và tra cứu xem quái vật này là con gì? Gốc ở đây ra? Đó là chưa kể đến cái hình tam giác ở dưới bệ tượng là gốc từ đâu, hình như là gốc Khơ Me?
Được biết là cặp quái thú này vẫn còn đang ngự trước cửa đình Đại Phùng - xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội, là di tích được xếp hạng là Di tích đặc biệt quan trọng cấp Quốc gia.
Đôi quái thú này do một đại gia đình trong làng cung tiến năm 2010, và các cụ trong Ban Khánh Tiết và Hội Người cao tuổi cho biết đã có chủ trương đưa ra khỏi đình từ lâu, nhưng chưa biết sẽ đưa về Vườn Bách thú nào!
________________
Phụ lục:
ĐÌnh Đại Phùng trước trùng tu, mang dáng dấp thân thương, gần gũi
ĐÌnh Đại Phùng sau khi trùng tu, dáng dấp cổ kính với những đường cong chuẩn chỉ của Kiến trúc cổ đã không còn nữa hư hao ít nhiều:
0 comments:
Post a Comment