>> Điều gì khiến người dân Bắc Sơn nổi loạn?
>> Báo chí hạ tầng sao có thể kiến tạo một quốc gia văn minh?
>> Hòa hợp, hòa giải cho ai?
>> ASIAD 18 và chuyện... trong nhà, ra ngõ
Bảo Dân
(PetroTimes) - Tình hình tham nhũng ở nước ta ngày càng phức tạp, đa dạng về loại hình, nghiêm trọng hơn cả về tính chất lẫn mức độ. Theo đó, số lượng tài sản do tham nhũng chắc chắn là không hề nhỏ. Điều đáng nói là số tài sản bất chính ấy lại núp bóng, chuyển hóa dưới nhiều dạng, cho nên thu hồi tài sản tham nhũng là một vấn đề nan giải.
Chúng ta cần một thái độ cương quyết, triệt để đối với quan tham và thu hồi tài sản tham nhũng. Các chuyên gia kiến nghị, với tình hình thực tiễn và bối cảnh chính trị - văn hóa - xã hội như nước ta hiện nay, cần những giải pháp cụ thể của cả hệ thống chính trị, trở thành “vòng kim cô” siết chặt hành vi tham nhũng để thu hồi bằng hết những tài sản bất chính có được do tham nhũng.
Vấn đề quan trọng đầu tiên và xuyên suốt là phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Luật Phòng, chống tham nhũng (2005) và Luật Hình sự (1999) hiện hành cũng đã quy định cụ thể: “Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu, trả lại cho chủ sở hữu, quản lý hợp pháp hoặc sung quỹ Nhà nước”; “Người phạm tội có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”. Thế nhưng trên thực tế, tòa ít khi áp dụng hình phạt bổ sung là “tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản” hoặc tài sản bị tịch thu, thu hồi chỉ là “phần nổi của tảng băng” bởi tài sản đã được “ngụy trang, chuyển hóa, chuyển đổi, tẩu tán…”. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp rất khó xác minh được đâu là tài sản của bị cáo có nguồn gốc hợp pháp, đâu là tài sản có nguồn gốc do tham nhũng mà có.
Tại phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng tại Công ty Cho thuê tài chính 2 (ALCII) thuộc Ngân hàng Agribank do TAND TP HCM tiến hành đã diễn ra từ ngày 6/11 đến 15/11. Hội đồng xét xử đã quyết định hình phạt cụ thể đối với bị cáo Vũ Quốc Hảo (nguyên Tổng giám đốc Công ty ALCII) lĩnh án tử hình, tổng hợp các tội tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bị cáo Đặng Văn Hai (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH và Xây dựng Quang Vinh lãnh án tử hình tổng hợp về với các tội danh: tham ô tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Về phần bồi thường dân sự, tòa tuyên buộc bị cáo Đặng Văn Hai phải trả lại cho ALCII 132 tỉ đồng; bị cáo Vũ Quốc Hảo phải trả 80 tỉ đồng. Các chuyên gia ghi nhận mức án này là thỏa đáng nhưng cảnh báo khả năng thu hồi trên 210 tỉ từ hai tử tù này là bất khả thi bởi lẽ số tài sản kê biên không thấm vào đâu so vói số tài sản bất minh bị giấu giếm. Báo chí đã lên tiếng về việc rất khó thi hành án khi tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như mức án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 6 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt hơn 3.986 tỉ đồng.
Như vậy, bên cạnh việc tăng cường các chế tài về hành vi tham nhũng còn cần phải kết hợp chặt chẽ với công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị (cơ chế tài chính, cơ chế công vụ...) theo tinh thần Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị ngày 3/1/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Văn kiện có nhấn mạnh đến việc xử lý nghiêm những cơ quan, tổ chức, đơn vị cá nhân chậm tổ chức việc kê khai, không kê khai, kê khai không trung thực; không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm; không tổ chức việc công khai bản kê khai; không chủ động xác minh hoặc không xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm quy định về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản. Có thể nói, đây là cơ chế dự phòng rất hiệu quả nếu thực hiện thường xuyên và nghiêm túc.
Các chuyên gia cho rằng, cần phải quy định rõ ràng, khắt khe trong vấn đề khắc phục hậu quả tham nhũng, phải lượng hóa (chẳng hạn đã khắc phục trên 90% tổng số tài sản do tham nhũng mà có thì mới được xem là tình tiết giảm nhẹ). Có như vậy mới thể hiện tính ưu việt của chế độ, vừa tránh tâm lý “ăn không được thì trả”, “cùng lắm thì trả lại” để tránh án chung thân hoặc tử hình.
Bên cạnh đó, cần phải xác định rõ các hình thức thu hồi tài sản tham nhũng như thu hồi trực tiếp, thu hồi gián tiếp, thu hồi tài sản, thu hồi giá trị tài sản… Người tham nhũng thường có tâm lý “hy sinh đời bố củng cố đời con”, “hy sinh đời mẹ bảnh chọe đời con”, sau khi bị lộ chấp nhận bản án nhưng không mất tiền, mất nhà, mất tài sản… Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) với chủ đề “Việc công lợi ích tư” nằm trong sáng kiến thu hồi tài sản bị đánh cắp có những bằng chứng cho thấy, không có mối liên quan giữa việc công khai tài sản của cán bộ, công chức với việc đời sống riêng tư của cán bộ, công chức hay người thân của họ bị tác động, ảnh hưởng. Ngoài ra, một nghiên cứu mới đây cũng cho hay, địa phương nào công khai, minh bạch thì doanh nghiệp ít gặp phải vấn đề về hối lộ hay tham nhũng.
Thực tế cho thấy, nếu tăng quyền làm chủ và tham gia của người dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng thì các tài sản do tham nhũng mà có chắc chắn sẽ bị “lòi” ra dưới sự giám sát của nhân dân; đối tượng có khả năng tham nhũng cũng sẽ có những suy nghĩ, thái độ khác hơn về hành vi của mình.
Theo Nghị định 78/2013, các cơ quan phải công khai bản kê khai tài sản của cán bộ, công chức tại cơ quan mình dưới hai hình thức: Tại cuộc họp nội bộ hoặc dán tại bản tin của cơ quan. Tuy nhiên, vấn đề là không chỉ nội bộ cán bộ cơ quan đó tiếp cận được thông tin kê khai mà kinh nghiệm các quốc gia chống tham nhũng hiệu quả cho thấy họ công khai thông tin đó cho người dân, cho báo chí, để người dân và báo chí giám sát, kiểm tra lối sống của cán bộ, công chức và giúp đưa ra những chứng cứ, bằng chứng để xử lý cán bộ tham nhũng. Còn ở Việt Nam hiện nay, nhiều cán bộ, công chức nói “chúng tôi đã công khai ở cơ quan rồi” nhưng những người quan tâm rất khó tiếp cận được thông tin đó. Do vậy, một trong những kiến nghị của chúng tôi với Chính phủ là cần mở rộng mức độ công khai bản kê khai tài sản cho công chúng.
Công khai tài sản và thu hồi triệt để tài sản do tham nhũng mà có sẽ góp phần ngăn chặn một cách hiệu quả nạn tham nhũng.
0 comments:
Post a Comment