Thanh Hà
Nhà văn Gabriel Garcia Marquez |
Giải Nobel Văn học đầu tiên của châu Mỹ La Tinh Gabriel Garcia Marquez qua đời chiều ngày 17/04/2014, thọ 87 tuổi. Là một nhà báo nổi tiếng, trước khi trở thành nhà văn, trong hơn 70 năm sự nghiệp cầm bút, Marquez được coi là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của thế kỷ XX, là người có công nhiều nhất trong việc đưa những tác phẩm bằng tiếng Tây Ban Nha ra thế giới.
«Trăm Năm Cô Đơn», «Tình Yêu Thời Thổ Tả», «Tướng Quân Trong Mê Hồn Trận», «Ký Sự Về Một Cái Chết Được Báo Trước» hay «Hồi Ức Về Những Cô Gái Điếm Buồn Của Tôi» là những tác phẩm để đời của Gabriel Garcia Marquez. Chỉ riêng «Trăm Năm Cô Đơn» sáng tác năm 1967, đã được dịch ra hơn 35 thứ tiếng và đã bán ra gần 50 triệu ấn bản.
Hay tin giải thưởng Nobel Văn học 1982 [mất], Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos tuyên bố ba ngày quốc tang. Qua mạng Twitter ông viết: «Sự ra đi của tác giả Trăm Năm Cô Đơn, người con vĩ đại nhất mọi thời đại của Colombia để lại Một ngàn năm cô đơn và đau buồn cho đất nước». Marquez được mệnh danh là «cha đẻ của trường phái hiện thực huyền ảo».
Không chỉ là một người có tài kể chuyện xuất chúng, Marquez chinh phục độc giả nhờ lối viết hiện thực, lồng trong bối cảnh lịch sử, chính trị, của đất nước, của châu Mỹ La Tinh, của thời cuộc. Đồng thời những tác phẩm của ông có thể đọc như một bài ngụ ngôn, trong đó cái «thực» luôn kèm cả với những truyền thuyết dân gian, những mê tín dị đoan, với những lời nguyền, cộng thêm với một chút gì huyền bí. Marquez được tôn vinh và làm mê hoặc cả thế giới do ông là một trong những nhà cầm bút hiếm hoi thành công trong việc đưa lịch sử, văn hóa, đời sống không chỉ của một dân tộc mà là của cả châu Mỹ La Tinh đến với độc giả.
Sinh năm 1927 tại Aracataca, một ngôi làng hẻo lánh ở miền bắc Colombia, Marquez là con cả trong một gia đình có tới 11 anh em. Cha mẹ ông sớm đi nơi khác kiếm sống, Marquez chủ yếu được ông bà nuôi dưỡng. Làng Aracatata cũng như bà ngoại ông, với cá tính mạnh và một chút gì huyền bí, với hình dáng hơi giống một bà phù thủy, chính là nguồn cảm hứng để Marquez sau này tạo ra bối cảnh cho tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông: «Trăm Năm Cô Đơn», cho nhân vật nữ chính trong gia đình Buendia.
Nhưng bên cạnh sự nghiệp văn chương đồ sộ, Marquez còn là một nhà báo. Chính tác giả của «Ký Sự Về Một Cái Chết Được Báo Trước» từng nói: «Làm báo là cái nghề đẹp nhất trần gian». Từ giữa thập niên 1940 Marquez đã bước vào nghề, cộng tác tờ El Espectador, rồi điều hành tạp chí Venezuela Grafica tại Caracas. Sau cuộc cách mạng Cuba, Gabriel Garcia Marquez là một người rất hâm mộ nhà lãnh đạo Fidel Castro, ông đã hợp tác với hãng thông tấn Prensa Latina tại La Habana. Một thời gian sau, Marquez rời khỏi Cuba về định cư hẳn tại Mêhicô và cũng tại đây, ông đã đóng cửa với thế giới bên ngoài trong 18 tháng liền, để hoàn tất tác phẩm để đời «Trăm Năm Cô Đơn».
Đọc thêm: Sự viết đến từ đâu? Câu trả lời của Gabriel Garcia Marquez
Hoàng Hưng lược dịch từ Le Figaro 18/4/2014. Tựa đề của người dịch.
Gabriel José García Márquez (1927 – 2014) |
Sự viết đến từ đâu? Mỗi nhà văn trả lời câu hỏi này theo lối riêng của mình. Gabriel Garcia Marquez thích nhắc đi nhắc lại rằng thiên hướng văn chương của mình chắc là có từ người cha, một người đọc sách nghiến ngấu, tay chơi violon cừ khôi, làm thơ tay ngang và nhân viên điện báo của làng Aracataca, một ngôi làng bé xíu ở cái vùng nóng thiêu ven biển Atlantique nước Colombia.
Hãy thêm vào đó nỗi khiếp hãi bóng đêm từ thuở nhỏ, di truyền từ người bà xứ Galice (một địa phương ở phía tây bắc Tây Ban Nha – ND). Được ông bà nuôi dạy trong một ngôi nhà lạ lùng đến kỳ dị, rộng mênh mông, cậu bé Gabriel nhớ lại cả cuộc sống chịu hai nền giáo dục một lúc. Một từ người ông, đại diện cho sự an toàn tuyệt đối, ông có một chức vụ hành chính khiêm tốn trong văn phòng hội đồng thành phố, ông là ngưòi bạn thân thiết, người đồng hành, “nhân vật quan trọng nhất của đời tôi” như có ngày ông thú nhận… Bên kia là người bà không chịu ở yên, cáu kỉnh, bất thường, thường có ảo giác, đêm đêm nhón chân đi lại trong buồng cậu cháu để kể cho cậu nghe những chuyện kinh dị hết chuyện này sang chuyện khác. G.G. Marquez khăng khăng là mình chẳng bao giờ sáng tạo ra cái gì cả: “Tôi chỉ kể những gì tôi biết, về những người tôi đã thấy”.
Sinh ở Aracataca ngày 6 tháng 3 năm 1927, ông chẳng làm gì khác việc biến ngôi làng bé nhỏ của mình và dân làng thành một chốn huyền thoại, mà bây gờ cả thế giới biết đến với cái tên Macondo. Macondo ở khắp chốn mà cũng chẳng ở đâu hết. Một bên là những đụn cát và hồ đầm, bên kia là núi non; nó không có tên trên bất kỳ bản đồ nào nhưng lại giống Aracataca ở nhiều điểm: bị dày xéo qua những cuộc chiến kéo dài và đau thương, trú phú trong thời “sốt chuối”, bị tàn phá bởi những cuộc tranh chấp gia tộc lâu đời, bởi nạn cướp bóc, mưa, hạn; một ngôi làng trở về cát bụi mà trên đó vẫn còn bay lượn nỗi ám ảnh u ám của một tội lỗi tập thể không được giả trừ…
Sự viết đến từ đâu? Từ tuổi thơ, chắc chắn là thế. Nhưng cũng từ đời sống. Cuộc đời của G.G.M. đầy sóng gió, phức tạp, rắc rối như mê cung, kiệt lực vì lao động. Sau khi theo học ở nhà dòng Tên tại Bogota và Carthagène, G.G.M. làm nhiều nghề và đi qua nhiều xứ sở.
Phóng viên rồi BTV của tờ El Espectado, nhật báo có khuynh hướng tự do ở Bogota, ông là thông tín viên báo chí ở Rome rồi Paris, ở đó, vì không có tiền, ông sống trong một khách sạn u ám ở phố Cujas, giữa khu Latin mà không bao giờ trả được tiền nhà. Ở Mexico, ông kiếm sống bằng việc viết cốt truyện phim cho cái gọi là điện ảnh tiên phong, và mở ở Bogota một văn phòng cho hãng thông tấn Prensa latina của Cuba vào năm 1959, sau khi Fidel Castro vào La Havane. Kinh nghiệm sống rất cá nhân này làm nên tâm điểm của một tác phẩm ghi lại những suy tư triền miên về bí mật của quyền lực, về sự cô đơn và khốn khổ của con người.
Khi G.G.M. trở về châu Mỹ, ông đối diện với sự rối loạn của văn chương Colombia. Kể từ José Eustasio Rivera, không một nhà kể chuyện nào xác lập được tên tuổi và xã hội Colombia tù đọng trong chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa truyền thống. G.G.M. chính là người đem trở lại thứ văn chương cao quý cho tiểu thuyết Colombia. Từ 1955 đến 1962, ông xuất bản một loạt tác phẩm thành công: Lá giữa cuồng phong, Không có thư cho ngài đại tá, Lễ tang Bà Lớn, La Mala Hora. Tất cả đã chứa đựng mầm mống tạo thành phẩm chất nền tảng của thế giới văn chương rộng lớn của ông: một không khí huyền ảo xen lẫn với những khúc ca hiệp sĩ và những chuyện đồn thổi hàng ngày.
Từ lúc mới viết văn, G.G.M. không ngừng nhắc lại rằng mình muốn “đưa tất cả những gì mình biết vào một cuốn sách”. Một thời gian dài ông tưởng rằng cuốn sách ấy sẽ có tên là La Mala Hora, nhưng sau đó ông gọi nó là Trăm năm cô đơn. Xuất bản ở Pháp, trong sự thờ ơ của tất cả, cuốn sách đã đưa tác giả lên đến vinh quang tột đỉnh vào năm 1968.
Câu chuyện của đại tá Buendia, mà cũng là của cả dòng họ ông ta, kể từ lúc lập làng Macondo cho đến vụ tự tử của người cuối cùng của dòng họ Buendia vào 100 năm sau, thay đổi tận gốc cuộc đời của G.G.M., người đã thu hút vào mình cái được gọi là hiện tượng “giá lên như thổi” của văn chương Mỹ Latin.
Tác phẩm dày 20 tập này cuối cùng còn lại điều gì? Còn hai phương diện. Phương diện thứ nhất gắn với những con người, những chương hồi kỳ ảo: một phòng tranh chân dung, những không khí kỳ đặc. Một lão già có đôi cánh mênh mông, những đàn bà đàn ông cưỡi ngựa chạy quanh một quán nhạc trong một ngôi làng bị nhận chìm; Đức thánh Cha đi qua khu rừng trinh nguyên trên một con thuyền đen; bà cố chuyên chế, chủ một nhà thổ lưu động, buộc cháu gái mình làm đĩ; một cô nhân tình-trẻ con, bị giam trong một tu viện, yêu điên cuồng người trừ tà của mình… Đề tài thứ hai, là chính trị và sự dấn thân. Đại lộ Miguel Littin, Kẻ bí mật trở về Chili (1985) kể chuyện một đạo diễn Chili bị cấm cư trú trong nước, đã bí mật trở về và quay phim thực tế của đất nước dưới ách độc tài, quay tận cả trong phủ tổng thống. Nhật ký cuộc bắt cóc, kể lại vụ bắt cóc Maruja Pachon và tám nhân vật quan trọng do cánh vũ trang của tập đoàn Medellin năm 1990.
Trong mảng tác phẩm thứ hai này, G.G.M. tự hỏi về cái mà ông gọi là “sự hợp thức và hữu ích của sáng tạo trong đấu tranh chính trị”. Một câu hỏi lớn chưa có lời đáp…
Chính trong dòng suy tưởng này của ông mà ta phải định vị tình bạn lâu dài của tác giả với Fidel Castro, điều làm ông bị trách cứ rất nhiều và ông chỉ có được những lời giải thích ít thuyết phục. Trở thành đại sứ lưu động trong vùng Caribê, bạn của những người theo phong trào Sandino, Khôi nguyên Nobel văn học 1982 cuối cùng đã pha trộn chính trị với văn chương, và những cuốn sách cuối cùng của ông, bắt đầu bằng cuốn Hồi ức, đã khiến người ta không thể thất vọng hơn. G.G.M muốn thế giới trở thành xã hội chủ nghĩa, và nói thêm (vào 1982): “Tôi tin sớm muộn sẽ như thế”. Ông cũng nói: “ Tôi có những ý tưởng chính trị chắc chắn, nhưng ý tưởng văn chương của tôi thì thay đổi theo sự tiêu hoá của tôi”.
Chúng ta chắc sẽ ưa thích hơn lời tuyên bố sau đây của một nhà văn tiếng Tây Ban Nha khác, Jorge Luis Borges về tham vọng văn chương lón nhất của mình: “Viết một cuốn sách, một chương sách, một trang sách, một đoạn văn mà là tất cả cho tất cả mọi người”. G.G.M. hiển nhiên đã thực hiện lời mong cầu ấy với Trăm năm cô đơn. Còn với tất cả những cái còn lại, thì vinh quang rơi xuống đầu ông “như một điều không tìm kiếm và không ham muốn”, và những chiếc lá đề chính trị che mắt đã ngăn cản ông viết tác phẩm được mọi người mong chờ.
0 comments:
Post a Comment