Hà Huy Sơn
Báo Nhân dân điện tử ngày 15/04/2014 chuyên mục “Bình luận – Phê phán” có bài “Họ đâu cần quan tâm tới khoa học…” (xem tại đây). Đọc xong bài báo tôi không khỏi có mấy ý kiến.
- Trong bài báo nhóm tác giả có nói: “Ðể trở thành con người có văn hóa, mỗi người phải tự giác học hỏi, trau dồi các giá trị văn hóa, trong đó có việc học hỏi, trau dồi từ các tác phẩm văn học”.
- Nhưng những người mà nhóm tác giả lên án thì được nhắc đến cộc lốc là Đỗ Thị Thoan, Bùi Chát mà không ông, bà hoặc anh, chị đi kèm. Mấy vị trong Hội đồng chấm luận văn năm 2010 thì được viết tắt là (PGS, TS CVS), (PGS, TS NÐÐ), (PGS, TS NVG) độc giả không biết là gì.
- Độc giả, đọc xong bài báo có cảm nhận đây là sự lên án chủ quan của nhóm tác giả bài báo hay đây là một bản cáo trạng giành cho tác giả bản luận văn và những người ủng hộ (nhóm tác giả bài báo ám chỉ là “họ”). Tờ báo không nêu tóm tắt nội dung của bản luận văn, nên độc giả không biết rõ câu chuyện ở đây là gì. Nếu vậy đây chỉ là sự thể hiện quan điểm của nhóm tác giả bài báo với “họ”, thì hãy viết và gửi đến “họ” mà thôi chứ đừng có đăng báo kiểu mù mờ như vậy, độc giả có biết nó như thế nào để mà làm trọng tài trong chuyện này. Hoặc là mục đích bài báo chỉ nhằm định hướng nhận thức cho độc giả về chuyện liên quan đến việc Trường đại học Sư phạm Hà Nội lập Hội đồng thẩm định luận văn Thạc sĩ khoa học Ngữ văn, quyết định thu hồi bằng, hủy luận văn thạc sĩ của bà Ðỗ Thị Thoan mà thôi. Nếu đúng vậy thì nhóm tác giả bài báo đã quá xem thường độc giả.
Hoặc cứ cho rằng đây là một bản cáo trạng thì cũng phải trước hết tóm tắt nội dung của bản luận văn, đối chiếu với các chuẩn mực khoa rồi mới “luận tội” với những cụm từ mà nhóm tác giả sử dụng:
“phản văn hóa”,
“những văn bản với ngôn từ thô tục, nhơ bẩn, dơ dáy, có tính chất “bôi đen” xã hội…”,
“phá hoại văn hóa,”
“góc độ thẩm mỹ,”
“trốn tránh không phân định giữa đẹp và xấu, giữa hay và dở, các ý kiến sai trái,”
“những câu chữ nhơ nhớp như thế!”
“Chương 2, Chương 3 của luận văn được viết như bút pháp của người ngộ chữ và mê sảng lý thuyết từ đó “hóa kiếp” và tưởng tượng ra những “phẩm chất từ trên trời rơi xuống”
“Luận văn khoa học Ngữ văn nhưng tính Ngữ văn rất thấp, lại đậm đặc quan điểm chính trị cá nhân.”
“Họ tảng lờ các văn bản rác rưởi của “Mở miệng”.”
“Họ hàm hồ kết luận:”
“Chỉ cần đọc những câu “thơ” được ÐTT dẫn lại trong luận văn cũng thấy quá tục tĩu, nên lẽ ra khi chọn góc nhìn văn hóa để nghiên cứu “thơ rác, thơ dơ”,”
- Khoa học là khách quan. Khoa học không mang tính giai cấp, khoa học không mang tính chính trị. Nghiên cứu khoa học là một quyền của con người được ghi ở Điều 40, Hiến pháp 2013:“Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó”. Không biết nhóm tác giả bài báo lại nhân danh tư cách gì mà dạy bảo:“Khoa học không phải là “chợ trời”, muốn nghiên cứu gì thì nghiên cứu, không cần biết đúng, sai”. Đúng, sai của khoa học, hay chân lý là do thực tế, do lịch sử trả lời đó là quyền lực của tự nhiên, quyền lực của xã hội chứ không phải là quyền lực nhà nước, quyền lực của một nhóm người.
- Một loạt các khái niệm “văn hóa”, “thẩm mỹ” … cần phải có định nghĩa, làm rõ để từ đó chiếu rọi vào nội dung của bản luận văn thì mới có thể kết luận được, chứ không thể cậy quyền tự nhận chân lý về mình, độc quyền chân lý, bịt miệng người khác, không dám tranh luận công khai rồi đưa ra kết luận quy kết người khác thì không thuyết phục được xã hội.
Tôi chưa đọc bản luận văn của bà Đỗ Thị Thoan và các bài viết của những người ủng hộ bà Thoan nên tôi chưa có quan điểm ủng hộ hay phản đối nó, nhưng bài báo của nhóm tác giả này không phải là một phương pháp tranh luận khoa học và không văn hóa. Báo Nhân dân điện tử nhận mình là “Tiếng nói của … Nhân dân Việt Nam”. Nhân dân không phải là tôi, nhưng tôi là nhân dân, tôi chưa bao giờ có sự ủy thác đó.
Hà Nội, ngày 17/04/2014
H.H.S.
0 comments:
Post a Comment