Home » , » Xin đừng quay lưng với lịch sử!

Xin đừng quay lưng với lịch sử!

Unknown | 5:15:00 PM | 0 comments
     Lịch sử theo cách hiểu thông thường là những gì thuộc về quá khứ, gắn liền, song hành cùng với tiến trình tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Đối với mỗi quốc gia, dân tộc, lịch sử được ví như “hồn phách”, nơi lưu giữ các giá trị truyền thống, kết tinh tinh hoa văn hóa của quốc gia, dân tộc đó. Quan trọng là thế, song qua cách “đối xử” với lịch sử ở nước ta hiện nay đã và đang là vấn đề đáng lo ngại, nhất là đối với một bộ phận thế hệ trẻ hiện nay.

Nhiều học sinh sợ học lịch sử

     Có rất nhiều bạn trẻ nước ta khi được hỏi về bộ môn lịch sử, họ cho rằng, lịch sử là bộ môn phụ, khó học, kiến thức khô khan, “xơ cứng”, không mới mẻ nên việc học cũng chỉ là hình thức, chủ yếu để thi cử chứ không phải là niềm đam mê của họ. Có mấy ai học lịch sử, đam mê, nghiên cứu khoa học này tìm được việc làm ổn định đâu, chỉ những môn khoa học tự nhiên, như các môn toán, lý, hóa, sinh… mới là khoa học của tương lai, với cách nghĩ như vậy, ít bạn trẻ hiện nay chú tâm, thích thú với bộ môn lịch sử. Vì vậy, lịch sử dân tộc đứng trước nguy cơ mất tính ổn định, bền vững, rơi vào tình trạng xói mòn, phai nhạt bề dày, nhất là trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng như hiện nay.

Nhiều học sinh xé đề cương lịch sử khi biết lịch sử không có trong danh sách các môn thi tốt nghiệp

     Xuất hiện càng nhiều trong các kỳ thi, cấp thấp là thi học sinh giỏi các cấp, cao nữa thì thi chuyển cấp, thi tuyển sinh đại học, cao đẳng “lác đác” vài trường hợp đăng ký thi, số ít trong những học sinh này là đam mê, phần còn lại cho rằng vì gia đình bắt buộc hoặc là bước trung gian để chuyển ngành học, “bước đệm” để vào các ngành, nghề khác… Kéo theo đó, chất lượng dạy, học lịch sử ở một số trường cũng đang có chiều hướng đi xuống. Chẳng phải bàn tính ở đâu xa như trong năm 2011 có hơn 2000 học sinh thi đại học đạt điểm 0; năm 2012 vẫn có 600 điểm 0; đặc biệt năm 2014 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT xuất hiện ở một trường nổi tiếng như THPT Lương Thế Vinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội, không một em học sinh nào đăng ký thi tốt nghiệp môn sử; cái mà Ban giám hiệu, thầy cô nhà trường, nhất là những thầy cô tâm huyết với bộ môn lịch sử nhận được từ các em qua bao năm truyền thụ kiến thức là cái “lắc đầu” không do dự.

Việc giảng dạy lịch sử còn nhàm chán, không hấp dẫn

     Lịch sử không còn là bộ môn hấp dẫn, có sức cuốn hút học sinh, sinh viên như trước nữa, có nhiều vấn đề cần bàn thảo, giải quyết, song những thế hệ tương lai của đất nước trong khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường đã không còn “mặn mà”, thậm chí có trường hợp quay lưng với lịch sử, đây chính điều đáng lo ngại nhất, cảnh báo về sự chênh lệch trong phát triển đồng bộ các khoa học xã hội đất nước. Chối bỏ lịch sử chẳng khác nào phủ nhận tương lai, là bi kịch đau đớn nhất cho một đất nước, dân tộc, nhất là đối với Việt Nam chúng ta, một dân tộc đã có truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất trải qua suốt hàng ngàn năm lịch sử.
     Có nhiều nguyên cơ dẫn đến hiện trạng đau lòng này, có thể đổ lỗi mang tính hệ thống, như: Các cấp, các ngành chưa quan tâm đúng mức ý nghĩa, tầm quan trọng của lịch sử dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay; các hoạt động phục vụ giáo dục đào tạo, như biên soạn giáo trình, tài liệu lịch sử không trung thực, sinh động, bỏ quên sự kiện lịch sử hoặc không phù hợp với các em; người truyền thụ kiến thức thiếu nhiệt huyết, tài năng và phương pháp giảng dạy chưa hiệu quả, thiết thực...
     Trong bối cảnh hiện nay, nước ta đang tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh thời cơ, vận hội lớn lao, vẫn còn đó biết bao thách thức, khó khăn tiềm tàng, hiện hữu đã và đang tác động đan xen, nhiều chiều đến mọi mặt của đất nước. Tác động của mặt trái kinh tế thị trường, văn hóa ngoại lai độc hại “xâm lăng” mạnh mẽ nền văn hóa xã hội. Mục tiêu chống phá của các thế lực thù địch vẫn không hề thay đổi; âm mưu, thủ đoạn hoạt động tinh vi và khó dự báo hơn. Chúng tăng cường thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, điên cuồng, ráo riết thực hiện bằng được “bạo loạn lật đổ”, “cách mạng màu” ở Việt Nam. Trong đó, bằng nhiều hoạt động khác nhau, nhất là tuyên truyền phá hoại tư tưởng, chiến tranh tâm lý; một phần quan trọng trong hoạt động của chúng là phủ nhận, tuyên truyền, xuyên tạc, bóp méo lịch sử, các giá trị văn hóa, truyền thống cách mạng của dân tộc ta. Hàng ngày hàng giờ, chúng tấn công phá hoại hệ tư tưởng các giai tầng trong xã hội, nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, nhất là đối với bộ phận tri thức trẻ hiện nay.

Lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc

     Chính vì thế, trước thực tiễn tình hình đặt ra ở trên, bên cạnh việc phát triển khoa học tự nhiên, yêu cầu tương xứng về phát triển khoa học xã hội, nhất là các bộ môn về chính trị, lịch sử rất quan trọng. Muốn làm được điều này, cần có chiến lược tổng thể, kế hoạch dài hạn, trong đó thiết thực, cụ thể nhất có lẽ ngay từ trên ghế nhà trường, cần phát huy vai trò của nhà trường, gia đình và xã hội nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cho học sinh, sinh viên về vai trò, ý nghĩa học bộ môn lịch sử. Cần có chủ trương, giải pháp đúng đắn, từ khâu tuyên truyền nâng cao nhận thức đến chất lượng, hiệu quả biên soạn giáo trình, chương trình, phương pháp giảng dạy, chiến lược đào tạo người dạy, người học, đưa môn lịch sử trở thành tiêu chí bắt buộc để đánh giá năng lực và đạo đức học tập trong các nhà trường; có chế độ ưu đãi đối với tương lai, nghề nghiệp người đam mê khoa học lịch sử… để thế hệ trẻ từng bước hiểu, ý thức được vai trò, tầm quan trọng của việc học, biết lịch sử, từ đó nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, phát huy vai trò, trách nhiệm của họ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. 
     “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” (Trích bài “Nên học sử ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên báo “Việt Nam độc lập” ngày 01/02/1942)./.

                                                                    Sen Hồng



Share this article :

0 comments:

Post a Comment